Chuyên gia ANZ: Việt Nam ít chịu tác động từ kinh tế thế giới 2015
Nhu cầu của nền kinh tế thế giới vẫn ở mức thấp và vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như mức lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có chiều hướng chậm lại nhưng điều này không tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam trong năm sau, ông Gleen Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng ANZ tại Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết.
Các báo cáo gần đây cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn đang trong đà phục hồi chậm và còn chứa đựng nhiều rủi ro. Việt Nam hiện đang dựa khá nhiều vào xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài, vậy diễn biến của kinh tế thế giới sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng dựa rất nhiều vào nguồn cầu bên ngoài. Trong nhiều năm ta đã dựa vào nguồn cầu xuất khẩu. Khi nói rằng nguồn cầu trên thế giới vẫn còn yếu thì không thể nói một nguồn tăng trưởng mạnh với nền kinh tế Việt Nam.
Trong hai năm 2015 và 2016, nếu đưa ra những dự báo liên quan tới nền kinh tế Việt Nam đầu tiên vẫn phải nhắc đến những rủi ro bắt đầu với việc đồng đô la Mỹ mạnh lên cũng như việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Rõ ràng rằng những điều này tác động đến cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên cũng có những tin tức tốt, đó là giá dầu giảm sẽ giúp tăng thu nhập ở các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển cũng như những nền kinh tế phát triển. Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên. Đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam có thể cải thiện và nâng cao vị thế của mình, tăng chuỗi giá trị, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh của mình bằng cách dựa nhiều hơn vào những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.
Nếu như nhìn vào tất cả những rủi ro nói trên, dự báo của chúng tôi vẫn nghiêng theo hướng rằng nếu như có những thay đổi thì vẫn sẽ thuận lợi hơn cho Việt Nam. Chúng tôi dựa vào những con số thống kê và chỉ số niềm tin người tiêu dùng. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của chúng tôi trong tháng 11 vừa qua là rất tốt, cho thấy sức tiêu dùng của Việt Nam đang ngày được cải thiện. Do vậy dự báo của chúng tôi trong vòng 1-2 quý tới khá là lạc quan.
Theo dự báo của ngân hàng ANZ, đồng đô la sẽ có xu hướng tăng giá trong nửa đầu năm 2015. Vậy điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến đồng tiền Việt Nam?
Nếu so sánh đồng tiền Việt Nam với những đồng tiền khác trong khu vực thì nó giữ được vị trí khá tốt bởi vì giá trị tiền đồng Việt Nam không bị ảnh hưởng mạnh bởi luồng vốn đầu tư gián tiếp như đồng tiền của Hàn Quốc hay đồng tiền của Indonesia. Giá trị tiền đồng Việt nam bị ảnh hưởng nhiều bởi các tác động đến từ thương mại hay luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do vậy nó có thể giữ được vị trí khá tốt.
Với tốc độ lạm phát thấp, dự báo thời gian tới tiền đồng Việt Nam vẫn giữ giá trị khá cao. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế chứ không trừ một ai. Từ năm 2001 đến những năm gần đây, đồng đô la Mỹ đã yếu trong một thời gian dài. Chúng ta cũng biết rằng danh mục đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu đã đa dạng hơn rất nhiều vì đồng đô la Mỹ với giá trị của mình là danh mục chính đối với việc lựa chọn tài sản đầu tư đối với nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
Như vậy, động thái thay đổi lãi suất của đồng đô la Mỹ sẽ có thay đổi đến các thị trường này. Khi đồng đô la Mỹ tăng lãi suất thì Châu Á sẽ khó khăn hơn trong việc thu hút các nguồn vốn đổ vào Châu Á.
Giá dầu trên thế giới gần đây đã giảm mạnh, điều này sẽ tác động thế nào đến Việt Nam, thưa ông?
Tác động của giá dầu được thể hiện qua nhiều kênh khác nhau. Thứ nhất là lạm phát, Việt Nam là một trong những nền kinh tế rất nhạy cảm với giá dầu. Trong vòng 1-2 tháng tới nếu giá dầu tiếp tục giảm sẽ làm cho lạm phát tiếp tục giảm xuống tương ứng với giá dầu. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam đã rất thấp. Tuy nhiên, giá dầu cũng có tác động đến tăng trưởng ở Việt Nam.
Đối với hoạt động kinh tế, khi giá dầu giảm sẽ giúp cải thiện thu nhập của người dân cũng như tác động đến giá cả vận chuyển, vận tải hàng hóa sẽ giảm xuống, là một lợi thế cho các hoạt động kinh doanh và xuất khẩu. Hơn nữa, nó cũng làm cho giá nguyên vật liệu sản xuất của chúng ta giảm xuống, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ cạnh tranh hơn.
Hiện tại Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều người đang kỳ vọng rất nhiều vào hiệp định này. Ông đánh giá thế nào về tác động của TPP tới Việt Nam?
Gần đây người ta thường nhắc đến TPP như một điển hình của các hiệp định thương mại tự do trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, phải nhận định rằng vẫn còn rất nhiều cản trở phải vượt qua mới có thể ký kết được hiệp định này. Thứ nhất là Tổng thống Mỹ Obama không còn nắm quyền kiểm soát với Quốc hội Mỹ. Thứ hai là Nhật Bản cũng có vẻ không mấy mặn mà với TPP, đặc biệt là vấn đề thuế quan đối với hàng hóa nông sản. Chính vì vậy, chúng ta cũng chưa thể chắc chắn 100% TPP sẽ thành công được.
Một hiệp định khác mà chúng ta đang đàm phán và có khả năng thành công lớn hơn là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là một hiệp định thương mại tự do phù hợp hơn cho các nền kinh tế Châu Á. Đặc biệt, có thể giúp cho họ cải thiện vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Một điều khoản trong hiệp định này là hỗ trợ cho các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn. Nó cũng làm cho hiệp định này có khả năng được thông qua một cách dễ dàng hơn với các nền kinh tế Châu Á.
Hơn nữa, khả năng kết nối các nền kinh tế trong khu vực này để nâng cao chuỗi giá trị có thể thu hút được sự tham gia của các nền kinh tế như Australia hay New Zealand. Bên cạnh đó, nó cũng làm cho khả năng được chấp nhận của RCEP cao hơn TPP.
Tôi cho rằng Hiệp định thương mại tự do với một nhóm nước nhỏ hơn, với số lượng thành viên tham gia ít hơn cùng chia sẻ những mục tiêu hay lợi ích với nhau sẽ thuận lợi hơn nhiều so với một hiệp định thương mại tự do dành cho một khối nước rất lớn và có nhiều lợi ích khác nhau, mối quan tâm khác nhau.
>>>“Chậm mà chắc, Việt Nam đang giành được thị phần trên thế giới”