MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Nguyễn Đức Kiên chia sẻ về nợ công Việt Nam

Hiện nay, chúng ta không có chuẩn mực nào để đánh giá là nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

PV: Thưa ông, theo dự kiến tại kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Luật Đầu tư công. Vậy theo ông, khi Luật ra đời nó có ý nghĩa như thế nào đặc biệt là nhằm hạn chế việc đầu tư đang dàn trải và không hiệu quả vốn Nhà nước như tình trạng hiện nay?

TS Nguyễn Đức Kiên: Đúng là theo chương trình của kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XIII, chúng ta sẽ thông qua Luật Đầu tư công.

Đến thời điểm này luật ra đời cũng coi là chậm. Luật này đã được bàn đi bàn lại trong 7 năm qua và lần này sẽ thông qua. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Quốc hội trong việc đấu tranh quyết liệt trong quan điểm sử dụng nợ công và thu ngân sách.

Theo tinh thần của Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11) về thực hiện tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công, việc ban hành Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết nhằm tăng cường quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để hướng tới thực hiện mục tiêu đột phá xây dựng hạ tầng đồng bộ trong thời gian tới. Và tôi hy vọng luật này sẽ nhanh chóng đưa vào cuộc sống.

Luật này ra đời rất có ý nghĩa vì nó đã tổng kết lại những điều đang tồn tại và vấp phải trong cuộc sống, chủ yếu là tình trạng đầu tư dàn trải ở khắp các địa phương, các ngành trong cả nước. Việc đầu tư dàn trải, tràn lan đang làm cho hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư công bị giảm sút. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm cho tốc độ nợ công của chúng ta lên rất nhanh trong thời gian qua. 

Cho nên, mục tiêu của Luật Đầu tư công là làm hạn chế được đầu tư dàn trải, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. 

Bên cạnh đó, nó cũng gắn trách nhiệm của người ra quyết định, chủ trương đầu tư với người quyết định dự án đầu tư với dự án đầu tư, tránh được tình trạng người ký đầu tư thì hoành tráng, không cần biết nguồn vốn lấy ở đâu và nguồn vốn đó cân đối có được hay không?... dẫn đến tình trạng nhiều dự án, công trình quốc gia nếu thi công trong vòng 3 năm không tránh được việc trượt giá...

PV: Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần nói chúng ta vẫn còn cơ chế xin - cho thì đất nước sẽ không phát triển. Vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Đức Kiên: Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Đối với bất kỳ một đất nước nào mà vẫn còn cơ chế xin- cho thì nó sẽ hạn chế việc phân phối nguồn lực của đất nước.

Nó làm cho việc phân phối nguồn lực của đất nước không đi vào thực chất để phát triển mà nó lại dựa vào quan hệ cá nhân hoặc dựa vào quan hệ của một nhóm lợi ích nào đó, đây là lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương chứ không phải vì lợi ích tổng thể của quốc gia. Nếu chuyện đó còn ở bất kỳ nền kinh tế nào, quốc gia nào thì sẽ hạn chế.

PV: Ông đánh giá tình hiện nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào?

TS Nguyễn Đức Kiên: Mọi vấn đề về nợ công chúng ta đều công khai. Ngày 10/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định 477/QĐ-CP về kế hoạch vay, trả nợ công của Chính phủ năm 2014. Trong đó, kế hoạch nợ là 208.833 tỷ đồng; kế hoạch vay gồm vay trong nước 367.000 tỷ đồng và kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD (tương đương 95.800 tỷ đồng).

Con số trên đã được công bố công khai, tuy nhiên con số của kiểm toán đưa ra khác, có chênh lệch với con số của Bộ Tài chính là do cộng số học hoặc quan điểm sai vì họ không đưa các khoản chi vào nợ công. Quan trọng là con số chênh lệch đó có làm sai ban chất của nợ công hay không. Chẳng hạn khoản nợ kia khi đưa vào nợ công nó lên con số 1.000 tỷ so với con số hơn 1 triệu tỷ thì con số này có thể chấp nhận được.

Hiện nay, chúng ta không có chuẩn mực nào để đánh giá là nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào, nguy hiểm, không nguy hiểm hay an toàn. Tất cả điều đó chỉ có tính chất là giả định.

Tôi có thể đưa ra một dẫn chứng rất cụ thể để chúng ta có thể so sánh: ở Mỹ, nợ công của họ bằng 100% GDP thì có ai nói nước Mỹ là không an toàn đâu.

Còn ở Nhật, nợ công của họ vượt gần 200% GDP nhưng có ai nói nước Nhật bị nguy hiểm đâu. Việt Nam có lúc nói 60% hoặc 65% thì đến năm 2015, 2020 nó nguy hiểm như thế nào.

Theo tôi, cái đó cũng tùy từng góc nhìn, tùy thực lực về kinh tế cho nên điều quan trọng, chúng ta phải thấy được rằng khả năng trả nợ của từng quốc gia đó như thế nào.

PV: Thưa ông, chúng ta học được kinh nghiệm gì của thế giới để khắc phục được tình trạng nợ công?

TS Nguyễn Đức Kiên: Nếu nhìn con số thống kê về nợ công, chúng ta thấy trong giai đoạn từ 2007 - 2013, tốc độ tăng trưởng nợ công của Việt Nam tăng gấp đôi so với những năm đổi mới kinh tế trước đó.

Năm 2006, nợ công của Việt Nam chỉ có 27 – 28% GDP thì tại thời điểm này đã lên đến 55%. Chúng ta thấy rằng nó có vấn đề vì khi tốc độ nợ công tăng lên, tốc độ tăng trưởng GDP lại giảm đi. Nhiều chỉ số vĩ mô cũng không đẹp, không tốt như thời kỳ trước là vấn đề cần được quan tâm.

Ngay từ khi tiến hành xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và trong Nghị quyết của Đại hội, chúng ta cũng đã xác định để khắc phục tình trạng nợ công, nâng hiệu quả sử dụng nợ công. Chúng ta đã đưa một trong 3 khâu đột phá của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 là tái cơ cấu lại đầu tư công.

Về bản chất, tái cơ cấu đầu tư công tức là nâng cao hiệu quả vốn mà chúng ta đi vay được. Chúng ta thấy rằng, với thực lực của nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá muốn phát triển nhanh và bền vững, buộc chúng ta phải có những khoản vay để đầu tư.

Vấn đề chỉ là làm thế nào nâng cao hiệu quả đồng vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế. Đấy cũng là vấn đề mà Đại hội Đảng toàn quốc 11 đã xác định rất rõ điểm yếu trong nền kinh tế, trong quá trình phát triển của chúng ta. Đại hội đã có định hướng để xử lý…

PV: Xin cảm ơn ông?

Theo Thu Thủy

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên