MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không thế nào?

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, không chuyển giao vai trò quản lý nhà nước tại CHK cho tư nhân.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về chủ trương xã hội hóa nhà ga, cảng hàng không diễn ra chiều qua (24/3) tại Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, không chuyển giao vai trò quản lý nhà nước tại CHK cho tư nhân.

Xã hội hóa đầu tư hàng không đã có tiền lệ

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng các Đề án xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không”. Đề án đã đưa ra danh mục và hình thức đầu tư các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc lựa chọn các dự án đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông, các quy định của pháp luật hiện hành và một nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt là đảm bảo an ninh - quốc phòng, an ninh - an toàn hàng không, hài hòa lợi ích Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng và đảm bảo quyền lợi của người lao động.

“Một trong những hình thức để kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng trên cơ sở quy định hiện hành là hình thức nhượng quyền khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có nhượng quyền khai thác các sân bay, CHK”, Bộ trưởng nói.

Thực tế, việc xã hội hóa đầu tư hàng không tuy còn mới mẻ ở Việt Nam song không phải là chưa có tiền lệ. Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, trước đây Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận kêu gọi nhà đầu tư và đã khởi công đầu tư theo hình thức BOT khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết do nhà đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông với tổng mức đầu tư 1.694 tỷ đồng, thời gian vận hành khai thác 84 năm. Bộ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kêu gọi đầu tư và chuẩn bị khởi công Sân bay Vân Đồn, nhà đầu tư là Tập đoàn Sun Group, tổng mức đầu tư 7.494 tỷ đồng, thời gian vận hành khai thác 45 năm.

Trưng dụng cảng đã chuyển nhượng phục vụ mục tiêu ANQP khi cần

Liên quan đến nguyên tắc xã hội hóa đầu tư, Bộ trưởng khẳng định, tất cả vai trò quản lý Nhà nước không chuyển giao cho tư nhân. Theo đó, nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh - quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực mà không cần nắm giữ. Đồng thời, trong trường hợp khi cần thiết Nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của các doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh - quốc phòng và theo đúng quy định tại Luật Trưng mua trưng dụng tài sản.

Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức đảm bảo hoạt động vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, kinh doanh, thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch, tham gia đảm bảo an ninh - quốc phòng khi có yêu cầu của Nhà nước...

"Xã hội hóa là đúng chủ trương của Đảng, để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, cần kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh trong lĩnh vực hàng không, đảm bảo phù hợp với cơ sở chính trị, yếu tố chính trị quân sự. Thứ hai là, phải phù hợp với quy định pháp luật có liên quan. Cuối cùng, phải phù hợp với thực tiễn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế nhưng không được phá vỡ thế trận phòng không nằm trong khu vực phòng thủ của các phân khu và cả nước”.

Ông Nguyễn Kim Khoa

Chủ nhiệm

Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ngoài năng lực tài chính, nhà đầu tư phải có năng lực trong vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện. Việc tổ thức khai thác, vận hành phải đảm bảo tất cả các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng.

Khẳng định hoàn toàn nhất trí chủ trương xã hội hóa của Bộ GTVT, song Thiếu tướng Hoàng Viết Quang, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cũng nhấn mạnh đây là vấn đề mới, cần làm rõ vấn đề nhượng quyền như thế nào? “Trong nhà ga hàng không còn có hoạt động của các cơ quan công vụ của Nhà nước như kiểm dịch, hải quan, xuất nhập cảnh, khi chuyển nhượng, các cơ quan này sẽ như thế nào?”, Thiếu tướng Quang đặt câu hỏi. Cùng đó, ông Quang cũng e ngại các nhà đầu tư muốn nhượng quyền không chỉ có mỗi nhà ga, đất đai, mà còn có cả tổ chức lại vùng trời.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Chuyển nhượng quyền không liên quan đến đất đai, không liên quan đến vùng trời mà chỉ là nhà ga. Vùng trời do quản lý bay quản lý tuyệt đối, điều hành bay là Nhà nước. Cấp phép bay đến, bay đi là Nhà nước chứ không phải thích đến là đến, thích đi là đi”.

Liên quan đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước hoạt động tại cảng, ông Lại Xuân Thanh cho biết, hiện đã xã hội hóa ga hàng hoá tại Nội Bài. “Cơ quan hải quan vẫn đặt cửa khẩu tại đó và đang hoạt động rất ổn định”, ông Thanh nói.

Đối với lo ngại của ông Nguyễn Hữu Đức, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc định giá CHK cũng như giá dịch vụ sau khi chuyển nhượng, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Giá dịch vụ là do Nhà nước quy định, cụ thể là Bộ Tài chính, còn việc xác định giá trị chuyển nhượng sẽ do một cơ quan độc lập, có thẩm quyền của nhà nước thực hiện. Việc kêu gọi đầu tư sẽ được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định. Trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư, buộc phải đàm phán. Hai nhà đầu tư trở lên thì tổ chức đấu thầu theo quy định.

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GTVT đang hoàn thiện hệ thống Nghị định hướng dẫn Luật Hàng không sửa đổi có hiệu lực từ 1/7. Tất cả các nội dung này sẽ được đưa vào. Sau này, ngoài những quy định đã có trong văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung cụ thể, chi tiết hơn sẽ được đưa vào các hợp đồng. “Hợp đồng này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sau đó Bộ GTVT mới phê duyệt để làm căn cứ thực hiện”, Bộ trưởng nói.

>>> Nghị định mới về PPP: “Không có chuyện độc quyền nhà nước chuyển sang độc quyền tư nhân”

Theo Thanh Bình

PV

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên