MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư

Liên Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư liên tịch 90/2015/TTLT-BTC-BKHĐT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động xúc tiến đầu tư.

Theo đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nằm trong chương trình xúc tiến đầu tư đã được phê duyệt phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu hiện hành và mức chi cho nội dung chương trình theo quy định.

Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Ban quản lý, các tổ chức cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư. Các đối tượng khác tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tự trang trải kinh phí.

Nội dung chi được Ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; hỗ trợ chi phí thu thập tài liệu, chi phí viết chuyên đề, báo cáo; hỗ trợ tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu trong nước và nước ngoài; tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, trong nước và nước ngoài.

Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư gồm sách hướng dẫn, tờ rơi; hỗ trợ thực hiện các chuyên đề, bài báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài; hỗ trợ chi phí thiết kế, làm quà tặng, chi phí mua và vận chuyển quà tặng cho các đối tác theo quy định.

Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ tổ chức, tham gia hội chợ về xúc tiến đầu tư; hỗ trợ kinh phí tổ chức hội chợ triển lãm bao gồm chi phí thuê mặt bằng gian hàng quốc gia, chi phí in ấn tài liệu và vận chuyển tài liệu vật phẩm cho hoạt động xúc tiến đầu tư tới địa điểm tổ chức, chi phí quảng bá cho hoạt động tổ chức hội chợ, chi phí thuê công ty tổ chức sự kiện;

Ngoài ra, Nhà nước cũng hỗ trợ thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, đặt hàng cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài viết bài, làm phóng sự trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử, làm phim quảng bá môi trường đầu tư tại Việt Nam theo hợp đồng trọn gói.

Về định mức chi, Thông tư nêu rõ, chi hội nghị, hội thảo và công tác phí cho đối tượng đi công tác trong nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc về xúc tiến đầu tư thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực và kỹ năng xúc tiến đầu tư cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thu hút đầu tư và doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức…

Đối với các nội dung chi chưa có chế độ hướng dẫn, các khoản chi có tính chất đặc thù như hoạt động thông tin, tuyên truyền phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước; xuất bản các ấn phẩm, sách, tài liệu; chi làm phim; chi quảng bá; chi tổ chức sự kiện, phiên dịch tại nước ngoài..., các đơn vị thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư phải thực hiện chào giá cạnh tranh hoặc đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/8/2015.

Thảo Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên