MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội làm việc tại Lào cho lao động Việt Nam rộng mở

Tính chung 10 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã đưa thêm 4.580 cán bộ, LĐ sang Lào làm việc theo các dự án.

Cơ hội việc làm tại Lào cho lao động (LĐ) Việt Nam hiện ngày càng rộng mở với các dự án mới và sắp được triển khai. Tính đến tháng 8/2009, Lào đã cấp phép cho 174 dự án đầu tư của Việt Nam với tổng số vốn 899 triệu USD.

Các dự án tại Lào đang cần một lượng lớn công nhân kỹ thuật

Tính chung 10 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã đưa thêm 4.580 cán bộ, LĐ sang Lào làm việc theo các dự án. Sau Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, thị trường này hiện đang đứng thứ 4 về số lượng LĐ Việt Nam xuất khẩu, tìm kiếm việc làm.

Hàng nghìn cơ hội việc làm đang "chờ đón"

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện có hơn hơn 20.000 LĐ và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đang làm việc tại Lào, trong đó khoảng 15.000 người đi theo dự án hợp tác, đầu tư. LĐ Việt Nam được nước bạn Lào đánh giá tích cực, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước Triệu Voi.

Cơ hội việc làm tại Lào cho LĐ Việt Nam hiện ngày càng rộng mở với các dự án mới và sắp được triển khai. Tính đến tháng 8/2009, Lào đã cấp phép cho 174 dự án đầu tư của Việt Nam với tổng số vốn 899 triệu USD.

Theo Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) Đào Công Hải, nhiều dự án trong số nói trên thuộc các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, các dự án thuỷ điện có quy mô đầu tư và nhu cầu sử dụng LĐ lớn. Do vậy cần thu hút một lực lượng lớn LĐ kỹ thuật và cán bộ Việt Nam để triển khai thực hiện.

Theo Tổng công ty Sông Đà, tại các công trình xây dựng thuỷ điện do Tổng Công ty thực hiện, số LĐ và cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã trên 4.000 người. Từ năm 2010 - 2012, để phục vụ cho việc triển khai các dự án hợp tác tại Lào, Tổng Công ty sẽ cần thêm một số lượng lớn công nhân và cán bộ kỹ thuật từ trong nước sang làm việc.

Sớm tháo gỡ vướng mắc về hợp tác lao động

Nguồn LĐ Lào tại các địa bàn có dự án đầu tư hiện thiếu về số lượng và yếu về tay nghề. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công dự án, các doanh nghiệp Việt Nam phải đưa LĐ và cán bộ kỹ thuật từ trong nước sang.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc thu hút LĐ chất lượng cao sang Lào khá khó khăn vì còn nhiều vướng mắc trong việc áp dụng chế độ BHXH, BHYT, tiền lương, đăng ký lưu trú, xin giấy phép lao động, đăng ký làm thẻ lao động...

Theo quy định của Chính phủ Lào, mỗi dự án đầu tư nước ngoài vào Lào chỉ được sử dụng 10% LĐ phổ thông và LĐ kỹ thuật của nước đó. Các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng điều này chưa thực sự phù hợp với đặc thù nguồn nhân lực của Lào bởi các dự án hầu hết ở xa khu dân cư, nguồn lực tại chỗ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tại Hội nghị Bộ trưởng về hợp tác LĐ Việt Nam – Lào tổ chức cuối tháng 8/2009, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào để thống nhất những biện pháp quản lý chung cũng như kịp thời đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước để xử lý những vấn đề phát sinh trong hợp tác LĐ giữa hai nước.

Còn theo ông Đào Công Hải, Việt Nam sẽ sớm xem xét việc cử đại diện quản lý LĐ tại Lào để giúp Đại sứ quán trong những vấn đề hợp tác LĐ. Trong kế hoạch hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng cần có phần phối hợp giải quyết việc đi lại qua biên giới, xử lý vấn đề người LĐ mùa vụ của Việt Nam sang làm việc tại Lào.

Theo Thu Cúc

Chinhphu.vn

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên