MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua việc cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác.

Chính thức khởi động đàm phán vào năm 2012, RCEP là một hiệp định chất lượng cao hướng tới mục tiêu hình thành quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với 6 đối tác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ

Nhằm xác định và đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị cần thiết của Việt Nam trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác toàn diện khu vực đối với nền kinh tế Việt Nam” tại TPHCM vào ngày 10/7.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách vĩ mô CIEM (Bộ KH&ĐT), Báo cáo đánh giá tác động của RCEP tới nền kinh tế Việt Nam được thể hiện ở 2 kịch bản.

Ở kịch bản thứ nhất, RCEP sẽ hình thành theo hướng làm sâu rộng thêm cấu trúc trung tâm và các nhánh với trung tâm là ASEAN FTA+1. Theo kịch bản này,Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ tăng thương mại hai chiều, tuy nhiên lợi ích thu được phụ thuộc vào số dòng thuế cam kết cắt giảm giữa các quốc gia.

Với kịch bản thứ hai, các thành viên RCEP ngoài ASEAN (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) cũng tự do hóa thương mại với nhau. Khi đó, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Trung Quốc trong xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và gạo vào thị trường Nhật Bản, cũng như cạnh tranh với Trung Quốc trong việc xuất khẩu thực phẩm và may mặc vào Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia CIEM, kịch bản một sẽ là khả thi nhất cho các nước tham gia RCEP. Khi đó, nếu Việt Nam tham gia RCEP, tới năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm từ 2-4% so với trường hợp chúng ta không tham gia RCEP.

Cũng theo Báo cáo đánh giá, tham gia RCEP, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam khá tương đồng với một số đối tác lớn tham gia RCEP sẽ là một bất lợi. Việc xuất khẩu sang các nước đối tác cũng ngày một khó khăn hơn, khi các nước này đặt những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn và đàm phán các FTA vẫn đang diễn ra, bao gồm cả RCEP, Việt Nam cần tận dụng những cơ hội và khắc phục thách thức nhằm thúc đẩy thương mại đầu tư, tập trung vào nhập khẩu công nghệ tiên tiến để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để dần trở thành một nền kinh tế tri thức và thân thiện môi trường.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, RCEP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác (cả nước phát triển và đang phát triển) với nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đa dạng. Đồng thời giúp các DN tích cực tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.

Theo Lê Anh

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên