MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phần hóa vấp lợi ích nhóm

Khả năng hoàn thành kế hoạch CPH 432 DNNN đang được quan tâm và đã có lời cảnh báo từ chuyên gia rằng các DNNN lớn đang đặt điều kiện với Nhà nước nếu muốn tiến độ được thực hiện theo lộ trình.

PGS -TS. Lê Xuân Đình (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) nói rõ thêm về vấn đề này.


PGS -TS. Lê Xuân Đình

Thưa ông, trong khi dư luận “nóng ruột” với tiến độ chậm chạp cổ phần hóa (CPH) DNNN, nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị không nên nóng vội. Vậy, nên có nhận định chuẩn xác thế nào về tiến trình cải cách DNNN hiện nay?

PGS -TS. Lê Xuân Đình: Mục tiêu CPH DNNN giai đoạn 2011 – 2015, theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là 561 DN phải tiến hành CPH. Nhưng trong 3 năm đầu (2011-2013) chỉ CPH được 129 DN, tức là chỉ thực hiện được 23% mục tiêu, trong khi đã tiêu tốn mất 60% quỹ thời gian.

Vì vậy, nhiệm vụ của 2 năm 2014-2015 là phải CPH 432 DN. Nhưng đến hết tháng 6/2014 vẫn còn 135 DN chưa thành lập ban chỉ đạo CPH. Việc chậm tiến độ CPH cho thấy, rõ ràng công tác chỉ đạo đang có vấn đề, chưa thật sự quyết liệt vào cuộc.

Theo ông, nguyên nhân do đâu?

PGS -TS. Lê Xuân Đình: Bên cạnh các nguyên nhân khó khăn như thị trường chứng khoán và mua bán nợ trầm lắng, văn bản quy định vừa thiếu lại vừa vướng, có cả chồng chéo… Sự liên - nối giữa các văn bản pháp quy rất phức tạp, mà như Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Hà Hùng Cường đã thừa nhận tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 11/6/2014 rằng: "Hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới"!.

Nhưng, nguyên nhân quan trọng lại đang nằm trong chính giới chức quản lý DNNN, là sự níu kéo, không muốn CPH. Nguyên nhân có thể quá trình đó làm mất đi vị thế của nhóm người, của cá nhân nào đó đang gắn chặt với hiện trạng cần tiếp tục duy trì, hoặc muốn kéo dài thêm sự tồn tại.

Và có một nguyên nhân chi phối khá mạnh tiến độ CPH, đó là lực cản lớn từ một loại đối tượng khó minh định về chính danh hay định lượng mà xã hội vẫn quen dùng cụm từ “lợi ích nhóm”. Bởi lý do đơn giản là cải cách làm cho lợi ích của một số nhóm nhỏ có quyền lực đang có khả năng thao túng chính sách bị xâm hại, thậm chí không còn môi trường để tồn tại.

Chẳng hạn, năng lực điều hành, quản trị trong các CTCP thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh. Kết quả đó lại phải được HĐQT, ĐHCĐ xem xét, thừa nhận. Vì thế, nhà quản trị trong môi trường mọi hoạt động đều theo luật và điều lệ một cách có sự giám sát của cái gọi là DN đại chúng đòi hỏi phải thực chất hơn, thực tài hơn… Nên rõ ràng là khó hơn đối với một số người quen với lối làm việc cũ: “trách nhiệm có tập thể chịu, đặc quyền, đặc lợi, không công khai, minh bạch, thiếu dân chủ…”.

Nguyên nhân nhiều, giải pháp nào thưa ông?

PGS -TS. Lê Xuân Đình: Mấy năm vừa qua, nhiều nhận định, đánh giá về tiến độ thực hiện cải cách DNNN nói chung, thực hiện CPH nói riêng đều thừa nhận nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là “chỉ đạo thực hiện”. Vậy thì giải pháp đầu tiên là kiên quyết thực hiện.

Giải pháp tiếp theo là “nội công – ngoại kích”, nghĩa là không tạo ra một môi trường mà trong đó nếu duy trì trạng thái DNNN như hiện nay thì tạo ra “thiên đường” cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Chẳng hạn, nguồn vốn của Nhà nước đang chảy vào khu vực có hiệu quả thấp là DNNN nhiều hơn, ngược lại khu vực DN dân doanh có hiệu quả cao hơn lại khó tiếp cận vốn. 

Thế nhưng, theo Bộ Lao động - Thương binh Xã hội thì, tại thời điểm năm 2012, tiền lương bình quân người lao động trong DNNN là 5,56 triệu đồng/người/tháng, trong lúc DN FDI là 4,63 triệu đồng/người/tháng và DN dân doanh là 3,79 triệu đồng/người/tháng.

Muốn đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, trước hết phải sắp đặt lại trật tự theo đúng quy luật kinh tế về dòng chảy của vốn, phân phối – lưu thông. Và như vậy, khắc phục tình trạng đặc quyền, đặc lợi, ưu ái không hợp lý… đối với khu vực DNNN để tạo môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với mọi loại hình DN trong nền kinh tế.

Giải pháp tiếp theo là kiên trì chủ trương xóa bỏ tình trạng bộ chủ quản, ngành chủ quản. Đồng thời, phân định rõ vai trò của Nhà nước là kiến tạo phát triển, tạo luật chơi… còn vai trò quản lý sản xuất kinh doanh là của các chủ thể tham gia thị trường.

Mục tiêu cốt lõi của CPH là hình thành cơ cấu đa sở hữu thực sự


TS. Nguyễn Đình Cung

Tiến độ thực hiện CPH 432 DN có chậm không, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Với những việc làm được từ đầu năm đến nay, tôi cho rằng tiến độ có chuyển biến đáng kể so với các năm gần đây và đây vẫn là giai đoạn chuẩn bị. Sau bước chuẩn bị này, số lượng DN thực hiện CPH sẽ nhiều lên, có thể 10 DN thực hiện CPH/ngày. 

Chúng ta cần xác định rõ, bên cạnh ý chí phải quyết liệt thực hiện mục tiêu CPH, quyết liệt về tiến độ, nhưng phải đạt được chất lượng – tức mục tiêu cốt lõi của việc tiến hành CPH là đa sở hữu – đa sở hữu thực sự chứ không phải là đa sở hữu về hình thức. Và đây là yếu tố không thể xem nhẹ.

Bộ Tài chính có đề xuất những DN chưa có điều kiện bán cổ phần lần đầu (IPO) ngay thì chuyển thành CTCP với các cổ đông là tổ chức công đoàn. Quan điểm của ông về sáng kiến này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi vừa nói, CPH phải đạt mục tiêu đa sở hữu thực sự. Cho dù vốn tư nhân có chiếm tỷ lệ nhỏ đến mấy trong DN cũng phải là tư nhân thực sự, chứ không phải chỉ là cán bộ, người lao động hay tổ chức công đoàn.

Tổ chức công đoàn trong một công ty không phải là một pháp nhân, không có địa vị pháp lý để đầu tư. Và công đoàn là ai, lấy tiền đâu để mua cổ phần và nguồn lợi nhuận thu được từ cổ phần của công đoàn được dùng làm gì, có phải bổ sung cho quỹ công đoàn chung hay sử dụng thế nào? Đây là những vấn đề cần câu trả lời, nếu không sẽ lại tạo ra một khoản lợi ích riêng biệt, tạo lợi ích nhóm. Tóm lại, phải bàn kỹ hơn về giải pháp này.

Mới có 31 DNNN IPO mà đã không thành cho dù đó là những DN quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề. Vì sao thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Quan điểm của tôi là không nên bàn lùi, không nên thấy khó thì không nỗ lực làm, không nên nại rằng thị trường vốn còn đang khó khăn thì IPO cũng khó thực hiện hoặc thấy đơn vị nào làm chưa thành công thì “chê bai”. Vì, cứ bị chê thì không ai muốn làm.

Tuy nhiên, cũng phải xem kỹ lại các nguyên nhân IPO chưa được. Không làm được, không bán được có nghĩa là đã bán thứ thị trường không chấp nhận, hoặc đưa ra giá cao quá. Hoặc là hàng bán có chất lượng chưa tương xứng với giá bán. Hoặc cũng có thể việc marketing chưa chuẩn, hoặc chưa cung cấp thông tin đầy đủ, thuyết phục khiến nhà đầu tư tư nhân chưa tin…

Muốn bán được thì phải xem lại yếu tố đó, xem do đâu mà ta chưa làm được như ta muốn. Tôi không đồng tình rằng cứ thấy khó chưa làm được thì không làm nữa. Và cũng không nên để việc không thành công trở thành kẽ hở cho một vài động cơ sẽ tìm cách “làm thế nào để không thành công”. Vậy, trước hết phải xem có thực sự muốn bán cổ phần hay không?

TS. Nguyễn Đình Cung: Ở đây tôi không nói đến câu chuyện lợi ích nhóm. Quan điểm của tôi là bàn những việc họ đã làm, cần làm trên tinh thần quang minh chính đại. Tôi không thích bàn lùi. Dư luận cũng đừng đưa ra bình luận, tỏ ý nghi ngờ việc thực hiện thế này là chậm, là khó đạt mục tiêu… Phải nhìn sự việc ở góc độ thúc đẩy, không nên nhìn sự việc với góc nhìn nghi ngờ, cứ nghi ngờ thì sẽ rất khó làm.

Phương án CPH Công ty mẹ - Vietnam Airlines – dường như đang là đặt điều kiện ngược với Chính phủ, là lại đòi thêm ưu tiên ưu đãi?

TS. Nguyễn Đình Cung: Xét về bản chất trình bày trong phương án CPH của Vietnam Airlines thì những kiến nghị đưa ra là không hợp lý. Họ kiến nghị nhiều quá với nhiều ưu tiên ưu đãi. Nhà nước không nên chấp nhận những kiến nghị này, không nên tiếp tục cho họ thêm những ưu đãi này. 

Nếu chấp nhận, những kiến nghị này thì cuối cùng là không công bằng với các DN khác, là không áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường, làm méo mó thị trường cạnh tranh. Nếu Vietnam Airlines được chấp nhận các công ty hàng không khác có được Nhà nước bảo lãnh không? Nếu chỉ như thế thì rõ ràng là giúp Vietnam Airlines khỏi thế buộc phải cạnh tranh, chưa kể Vietnam Airlines vốn đang giữ thị phần lớn trong ngành.

>>>Mạnh tay với “quả đấm thép”


Theo Linh Linh

cucpth

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên