Có thể kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, mục tiêu đặt ra là kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, TPP là đàm phán giữa 12 nước nên không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Việt Nam.
- 24-02-2015Việt Nam - Hoa Kỳ quyết tâm hoàn tất đàm phán TPP trong năm 2015
- 23-02-2015"TPP là cơ hội lớn cho Việt Nam"
- 21-02-2015Bộ trưởng Công Thương tin tưởng TPP được ký kết năm 2015
Tóm tắt:
- Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã kí và tham gia 8 hiệp định thương mại tự do.
- Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do với Thuỵ Sỹ và Iceland...
- Đối với hiệp định TPP, mục tiêu đặt ra là kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, TPP là đàm phán giữa 12 nước nên không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Việt Nam.
Có thể kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm
Chiều ngày 20/3, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "FTA-Cơ hội nào cho Việt Nam". Tại buổi tọa đàm, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã kí và tham gia 8 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 6 hiệp định mang tính khu vực kí với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand…
Hai hiệp định còn lại là hiệp định song phương với Nhật Bản và Chi lê. Các hiệp định chủ yếu tập trung ở khu vực Đông Á, trong đó có 6 hiệp định ASEAN với đối tác bên ngoài. Với các đối tác lớn như EU, Hoa Kỳ…, Việt Nam chưa có quan hệ thương mại tự do.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán 7 hiệp định thương mại tự do bao gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do với Thuỵ Sỹ và Iceland, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan (VCUFTA).
Trong đó, có 2 Hiệp định cơ bản hoàn tất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh thuế quan và Hàn Quốc đang tiến hành rà soát pháp lý để ký kết chính thức. Còn hiệp định với Liên minh châu Âu đã đạt một số kết quả khả quan, cụ thể hóa và kết thúc đàm phán trong thời gian tới.
Nhận định về triển vọng ký kết hiệp định TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương là đàm phán giữa 12 nước nên không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Việt Nam. Để có được sự đồng thuận của cả 12 nước là việc không dễ dàng.
“Mục tiêu đặt ra là kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm, hiện nay đang tiến triển tích cực. Chúng ta sẽ cố gắng nỗ lực cùng các nước để kết thúc đàm phán TPP, tuy nhiên tôi nhấn mạnh là việc này không phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Việt Nam” – Thứ trưởng Công thương cho biết.
Tinh thần hội nhập rất cao
Trong khi đó, đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia các FTA thời gian quan, PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, chưa bao giờ Việt Nam nỗ lực tham gia các hiệp định nhiều như vậy trong một quãng thời gian không dài. Chúng ta đã đàm phán ký kết 8 hiệp định, hiện đang thực hiện đàm phán 7 hiệp định và khả năng kết thúc 1 số trong 7 hiệp định này đang rất gần.
Nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn nỗ lực đàm phán hàng loạt hiệp định. Chúng ta có thể thấy tinh thần hội nhập của Việt Nam rất lới. Trong khi đây toàn là những hiệp định đẳng cấp rất cao, có những hiệp định được coi là mẫu mực của thế kỷ 21.
“Có lẽ tất cả các quốc gia khác cũng đang nỗ lực như Việt Nam để đi đến thoả thuận cho một cuộc chơi mới theo hướng toàn cầu. Trong năm 2015 chắc chắn Việt Nam sẽ toàn tất được một số hiệp định để chúng ta có một khuôn khổ mới cho công cuộc phát triển ở mức độ hội nhập rất cao” – ông Thiên chia sẻ.
Hiện nay nền kinh tế đang hội nhập sâu vào WTO, phải đẩy mạnh cải cách mới có thể phát triển, thì áp lực hội nhập giống như một thời cơ, tạo ra động lực để cải cách. Nếu chúng ta thấy khó, bỏ đường hướng thì ta sẽ tụt lại. Thách thức giống như cơ hội để tạo động lực.
Theo ông Trần Đình Thiên, lợi ích của hội nhập là rất lớn, không thể bỏ qua nếu muốn vượt lên. Nhưng làm thế nào để tận dụng cơ hội lại là việc khác. Còn nhiều điểm cần phải bàn, nhưng ông cho rằng chọn hội nhập là thách thức để tiến lên là đúng đắn.
Thảo Anh