MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn ta thì sao?

Nhân dịp dự án Luật Đầu tư sửa đổi vừa được trình ra UBTVQH cho ý kiến lần đầu ngày 22/4 vừa rồi, những phân vân về hiệu quả hoạt động thực sự của khu vực doanh nghiệp FDI lại được khơi dậy.

Nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Luật liệu có kiểm soát được việc cả một KCN của nhà đầu tư nước ngoài mà đóng góp ngân sách không bằng một doanh nghiệp trong nước quy mô trung bình hay không”?

Tại một số diễn đàn khác, có ý kiến cho rằng có tới trên 70% công nghệ mà các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đưa vào nước ta là công nghệ lạc hậu, thậm chí, xu thế đóng góp ngày càng lớn của khối này vào GDP cũng được coi là “chưa rõ cán cân được -mất thế nào”, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước “những khoản lợi nhuận khổng lồ” trong khi vẫn khai lỗ lớn...

Không phủ nhận những hiện tượng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, “ăn” vào môi trường của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, song thiết tưởng cũng cần phải lật lại nhiều dữ liệu đáng lưu ý để có cái nhìn khách quan về vấn đề này.

Ai cũng biết rằng vốn FDI đăng ký mới là con số thể hiện xu thế của FDI mà không có nhiều ý nghĩa thực tế. Khi phân tích mức độ đóng góp vào nền kinh tế, người ta phải xét đến số vốn thực hiện. Dù vốn FDI đăng ký qua từng năm lúc cao lúc thấp, nhưng vốn FDI thực hiện 4 năm gần đây đã vượt 10 tỷ USD/năm, khá ổn định và chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội. ¼ là một tỷ lệ không thể phủ nhận.

Về công nghệ và quản trị, từ góc độ tiếp nhận đầu tư, lẽ dĩ nhiên Việt Nam mong muốn được đón nhận những gì tiên tiến nhất, nhưng từ góc độ nhà đầu tư, rõ ràng họ không muốn chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp nếu không có lợi.

Mặt khác, những công nghệ và kỹ năng quản trị hiện đại cũng chỉ có thể “gieo mầm” trên một mảnh đất sạch đã được cày xới tơi xốp. Ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam có lần “mát mẻ” nhắc lại việc cách đây nhiều năm, Việt Nam cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cảng biển… theo đề xuất của Intel, nhưng rồi thực tế đã không được như vậy. “Nhà đầu tư không quan tâm lý do, họ chỉ biết cam kết đã không được thực hiện”, ông Thành thẳng thắn trao đổi tại cuộc hội thảo về đầu tư vào đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được tổ chức mới đây.

Nói vậy không phải để bao biện cho những tiêu cực của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như nhà đầu tư có quyền lựa chọn địa điểm và phương thức đầu tư tốt nhất cho họ thì pháp luật về đầu tư và những lĩnh vực có liên quan khác - thuế, hải quan, môi trường… chính là công cụ hữu hiệu để Việt Nam thực hiện quyền lựa chọn dự án đầu tư và nhà đầu tư phù hợp với các tiêu chí mong muốn.

Theo Cẩm Hà

cucpth

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên