MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con voi chui lọt lỗ kim và quả bóng trách nhiệm?

Đâu rồi sự hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân như những gì mà các nhà điều hành vẫn luôn nói…?

Mấy ngày qua, trên khắp các mặt báo như “nóng ran” chuyện hàng ngàn tỷ của người tiêu dùng chảy vào túi của doanh nghiệp xăng dầu. Người ta “ngã ngửa” khi biết rằng, kẽ hở khiến cho các doanh nghiệp xăng dầu có thể mặc nhiên “đút túi” ngàn tỷ lại chính là do sự bất cập từ một chính sách thuế.

Hẳn là, việc thay đổi cách tính giá nằm trong tay cơ quan quản lý. Nên dù đã có cam kết đối với các mặt hàng xăng dầu được nhập từ các nước trong khối ASEAN, chỉ còn chịu mức thuế 5% với dầu hỏa và 0% với dầu mazut; cam kết thuế với Hàn Quốc là 10% với mặt hàng xăng, nhưng nhà quản lý vẫn cho các doanh nghiệp áp dụng mức thuế cao hơn từ 5 – 10%.

Hàng nghìn tỷ đồng mà các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu báo lãi vừa qua, phần lớn đến từ việc kinh doanh xăng dầu. Dễ hiểu vì sao, doanh nghiệp xăng dầu có lãi lớn trong khi trước đây liên tục kêu thua lỗ. Và càng bức xúc hơn khi hàng trăm, nghìn tỷ đồng, không ở đâu khác, lại đến từ chính “túi” của người tiêu dùng.

Vô hình chung, lẽ ra những cam kết trong hội nhập phải được chính 90 triệu người dân hưởng lợi. Thế nhưng đổi lại trên thị trường xăng dầu, những lợi ích từ việc giảm thuế này lại đang rơi vào 23 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Cơ quan quản lý có trách nhiệm tính giá xăng dầu biết, hay mặc nhiên để cho những lợi ích của 90 triệu người đánh đổi với 23 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu?

Đến thời điểm này, một trong hai cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong việc điều hành giá xăng dầu là Liên Bộ Tài chính – Công Thương, đã lên tiếng trả lời. Trong một thông báo rất ngắn gọn phát đi chiều ngày 15/3, Bộ Công Thương dẫn ra rất cụ thể các điều khoản được quy định trong Nghị định 83 quản lý kinh doanh mặt hàng này, đại ý thông tin rằng việc hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước, là việc mà Bộ Tài chính làm đầu mối để “chủ trì” và Bộ Công Thương chỉ có vai trò “phối hợp”.

Bởi thế nên hiện nay, Bộ này cũng cho biết là đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu để sớm tìm ra giải pháp xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xem ra, quả bóng trách nhiệm đang được đẩy sang người đồng đội cùng nắm quyền quyết định “số phận” giá xăng dầu.

Và một lần nữa, điệp khúc “hài hòa lợi ích” lại được đưa ra. Nhưng thực chất là quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm, chịu thiệt chính vì cách tính thuế có lợi chỉ cho vài doanh nghiệp xăng dầu. Đâu rồi sự hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân như những gì mà các nhà điều hành vẫn luôn nói trong các văn bản điều hành xăng dầu phát đi 2 lần mỗi tháng?

Trước động thái của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đến nay vẫn chưa lên tiếng chính thức. Trước đó, một quan chức của Bộ này khi trả lời với báo chí vẫn khẳng định việc doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ không liên quan đến chính sách thuế và Bộ đã bám sát các nội dung điều chỉnh thuế theo đúng lộ trình.

Vị này cũng giải thích thêm là “độ vênh” của thuế là do công thức xác định giá đối với mặt hàng này. Về mặt bằng chung thuế xăng dầu áp tính giá xăng dầu bán ra là 10%, nhưng có trường hợp DN nhập khẩu chỉ phải chịu thuế 0%, nên vị này cho biết đang giao các cơ quan liên quan tính giá cho phù hợp với luật thuế theo cam kết mới.

Một chuyên gia có tiếng nói thẳng thắn và gay gắt nhất trong chuyện điều hành xăng dầu là ông Ngô Trí Long cho rằng việc các cơ quan quản lý mặc nhiên để cho doanh nghiệp hưởng lợi là thiếu trách nhiệm. Khi đây là một thị trường còn có độc quyền nhóm, nên cơ chế giá lại càng phải minh bạch và đảm bảo lợi ích cho các bên.

“Cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử phạt nghiêm, quy trách nhiệm vi phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh. Với khoản chênh lệch thuế như vậy thì cần truy thu để trả lại cho ng tiêu dùng, đưa về quỹ bình ổn giá để khi có biến động thì xả quỹ, bảo vệ lợi ích người dùng” – ông Long thẳng thắn nói,

Trong một diễn biến liên quan, nguồn tin mà chúng tôi có được thì hiện Bộ Tài chính đang soạn thảo để đưa ra những thông tin chính thức về vấn đề này. Dự kiến trong chiều 15/3 Bộ này sẽ phát đi thông báo trong việc xử lý. Có nghĩa, Bộ Tài chính sẽ không im lặng trước những bức xúc của dư luận về chuyện xăng dầu.

Liệu cơ quan Nhà nước có đứng tra chịu trách nhiệm và mạnh tay truy thu tiền tỷ từ các doanh nghiệp xăng dầu để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, đúng như những gì mà những tư lệnh ngành Tài chính đã từng nói: Vì quyền lợi của 90 triệu người dân hay 23 doanh nghiệp đầu mối.

Câu trả lời còn phụ thuộc nhà động thái tiếp theo của các nhà điều hành?

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên