MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghiệp ôtô loay hoay tìm chỗ đứng

Tham gia khu vực mậu dịch tự do Asean (AFTA) năm 2018 vừa là cơ hội, vừa là thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp ôtô.

Gia tăng nội địa hóa để giảm giá thành, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là hướng đi được các DN thực hiện để không bị bỏ rơi trong sân chơi hội nhập.

Quy mô thị trường là rào cản lớn nhất

Còn gần 4 năm nữa để chính thức gia nhập AFTA không phải quá dài đối với một ngành công nghiệp ôtô đang tồn tại nhiều bất cập như Việt Nam.

Ông Trần Bá Dương- Chủ tịch Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải - chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất của công nghiệp ôtô là vấn đề sản lượng để tổ chức nội địa hóa và giảm giá thành. Không chỉ sản xuất mà ngay cả lắp ráp xe cũng cần sản lượng vì mỗi lần phát triển sản phẩm mới phải mua thiết bị chuyển giao công nghệ, mua nhiều khuôn mẫu nên nếu sản lượng nhỏ thì không làm được”.

Ông Daisuke Bando, Giám đốc Ban hoạch định chiến lược- Công ty Toyota Việt Nam (TMV) cũng cho rằng, sản xuất xe hơi trong nước đang rất khó khăn khi dung lượng thị trường thấp, lượng xe bán ra ít nên giá thành cao.

Phân tích kỹ hơn những bất lợi của ngành công nghiệp ôtô khi tham gia hội nhập AFTA, ông Trần Bá Dương còn lo ngại Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ mang lại nhiều khó khăn cho công nghiệp ôtô Việt Nam nếu lĩnh vực sản xuất ôtô được đưa vào diện cắt giảm thuế. “Khi đó, xe từ Nhật Bản nhập về Việt Nam sẽ chịu thuế bằng 0; Mazda sẽ không tính tới chuyện lắp ráp tại Thaco nữa mà sẽ chuyển sang nhập khẩu”- ông Dương nói.

Tuy nhiên, ông Dương cũng lạc quan đánh giá với TPP Nhật Bản đang “khóa” về ôtô”, vì thế mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp ôtô chính là làm sao không bị bật khỏi sân chơi AFTA.

Vẫn cần những giải pháp đồng bộ

Trả lời câu hỏi “công nghiệp ôtô trong nước làm thế nào để hội nhập AFTA”, các DN đều chung quan điểm rằng chỉ mình DN cố gắng thôi chưa đủ. Ông Bando bày tỏ: Mặc dù luôn nằm trong nhóm các DN có sản lượng bán hàng đứng đầu thị trường nhưng một mình TMV sẽ không thể đủ sức thay đổi thị trường.

Chúng tôi mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách ổn định, nhất quán và bình đẳng cho các DN sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Ở góc độ khác, ông Trần Bá Dương lại đưa ra một chiến lược cụ thể hơn: “Chúng tôi phải tính đến giảm giá thành lắp ráp, gia tăng nội địa hóa và sẽ phát triển CKD ”. Ông Dương phân tích: Trong AFFTA chúng tôi quan tâm đến Hiệp định song phương với các nước (FTA), ví dụ FTA của Việt Nam sắp ký với Hàn Quốc có giảm thuế ôtô hay không, từ những yếu tố này, DN và các đối tác chuyển giao công nghệ sẽ có hướng đi cụ thể cho việc sản xuất.

Người rất có tâm huyết với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, ông Bùi Ngọc Huyên- Chủ tịch Tập đoàn Vinaxuki - chia sẻ: Tham gia sân chơi hội nhập, nếu có nguồn vốn ổn định, lãi suất hợp lý thì các DN trong nước sẽ đủ lực làm không lỗ hoặc hòa vốn trong vài năm đầu để xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh.

Ông Huyên cho biết thêm, trước đó Vinaxuki dự kiến đưa ra sản phẩm thuộc dòng xe du lịch với mức giá không quá 200 triệu đồng, có thể cạnh tranh với những mẫu xe ngoại dòng ngoại bởi hiện sản phẩm đã nội địa hóa được 50%. Tuy nhiên, do thiếu vốn lưu động nên giấc mơ ôtô Việt vẫn đang còn dang dở.

Theo Duy Minh

cucpth

Báo Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên