CPI diễn biến lạ vì kinh tế “ốm yếu”?
Chỉ số giá tiêu dùng đang có những diễn biến lạ so với các năm trước, khiến nhiều người bỡ ngỡ. Nhưng diễn biến đó là đáng mừng hay đáng lo?
Để trả lời câu hỏi đáng mừng hay đáng lo, trước hết phải trả lời câu hỏi lạm phát trong năm 2014 là thấp hay cao. Và sau đó, diễn biến lạm phát như vậy do nguyên nhân gì?
Về câu hỏi thứ nhất, nhiều chuyên gia đều dự báo tốc độ tăng CPI năm nay sẽ thấp hơn kế hoạch (Chính phủ dự kiến 5%), nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức trên 4%.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) lý giải sự “bỡ ngỡ” của người tiêu dùng và của cả các nhà quan sát: “Tại Việt Nam, chúng ta quen với mức lạm phát ở mức khá cao, nên khi lạm phát thấp lại dễ lo. Nhưng nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, lạm phát của họ cũng chỉ 3-4%/năm. Philippines lạm phát 4,7% họ đã nói lạm phát cao rồi”.
Theo bà Ngọc, mặc dù chỉ số CPI tháng 11 giảm nhưng không nên có lo lắng giảm phát. Bởi giảm phát chỉ xảy ra khi CPI giảm liên tục, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm...
Về nguyên nhân, phải thấy rằng việc CPI giảm trong tháng 11 và tăng thấp trong năm nay đã củng cố xu hướng giảm dần của lạm phát suốt từ năm 2012 đến nay. Đó là kết quả của những giải pháp kiên trì, bền bỉ của Chính phủ cho mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, được đề ra từ Nghị quyết số 11/NQ-CP đầu năm 2011.
Còn nguyên nhân trực tiếp mà ai cũng nhận thấy là giá xăng. Giá xăng giảm 10 lần liên tiếp trong thời gian qua đã khiến nhóm hàng giao thông giảm tới 2,75% trong tháng 11. Riêng yếu tố này đã kéo chỉ số giá chung của cả nước giảm 0,24%, theo tính toán của Tổng cục Thống kê.
Mừng nhiều hơn lo
“CPI giảm vì sức mua giảm, tổng cầu thấp, thể trạng nền kinh tế ốm yếu”, đó là lập luận của những người lo lắng trước diễn biến của CPI.
Thế nhưng GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhận định việc nói CPI giảm vì sức mua giảm chưa hẳn đúng. Ông đồng tình với quan điểm cho rằng tổng cầu thấp có thể biểu hiện ra ở lạm phát thấp nhưng điều ngược lại thì không nhất thiết đúng.
Trong bài “Xin đừng nói tại suy thoái!”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa ra một ví dụ: Khi bệnh nhân mắc Ebola thì thường sẽ bị sốt. Nhưng không thể vì thế mà cứ hễ có bệnh nhân nào bị sốt thì đều cho rằng bệnh nhân đó đã nhiễm Ebola để rồi chữa chạy bệnh, ví dụ, viêm phổi theo phác đồ điều trị Ebola!
Bà Đỗ Thị Ngọc đã đưa ra thêm nhiều dẫn chứng cho thấy CPI giảm không phải vì sức mua giảm. Đó là tốc độ tăng GDP vẫn ở mức khá cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (thể hiện mua sắm của người dân), nếu trừ yếu tố giá vẫn tăng trên 6,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng…
Cách đây vài ngày, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã khẳng định chỉ số tồn kho hàng công nghiệp chế biến chế tạo đến nay đã trở lại mức bình thường, sau vài năm ở mức cao.
Tác giả Phan Minh Ngọc trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng sẽ rất khiên cưỡng khi cứ cố gắng quy cho chuyện lạm phát thấp (âm) này là do tổng cầu yếu. Và sẽ là rủi ro nếu cơ quan điều hành đưa ra các giải pháp dựa trên nhận định khiên cưỡng đó. Giá xăng dầu hạ thấp như gần đây rõ ràng là một điều tốt lành cho toàn bộ nền kinh tế.
“CPI cả nước đến nay có điều đáng mừng, có điều đáng lo nhưng tổng thể có thể nói cơ bản là mừng nhiều hơn”, GS Nguyễn Quang Thái nhận định với Tuổi Trẻ.
Có thể tổng cầu của nền kinh tế vẫn tăng chậm, như nhận định của Chính phủ trong một phiên họp thường kỳ gần đây, nhưng rõ ràng tổng cầu không yếu đến mức trở thành nguyên nhân chính khiến giá tiêu dùng sụt giảm. Chỉ đơn giản là CPI đã trở về mức bình thường và mức bình thường đó bỗng trở thành “sự lạ” nếu xét trong bối cảnh “bất thường” của CPI nhiều năm qua.
Nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam đang có chuyển biến tích cực. Không thể chủ quan, nhưng trạng thái bình thường đó của CPI sẽ giúp cơ quan điều hành “rảnh tay” để làm nhiều việc khác.
Theo Hà Chính