MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI sẽ tăng theo giá dịch vụ khám chữa bệnh?

Mặc dù có nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá tháng 3-2016, tuy nhiên, theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tháng 3 diễn ra nhiều lễ hội, cũng như một số loại hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh tăng theo lộ trình như giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tác động lên mặt bằng giá.

Theo Cục Quản lý giá, tháng 3-2016 có nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá; do đây là tháng sau Tết thị trường hàng hóa tiếp tục dần trở lại bình thường, giá cả các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm có khả năng giảm nhẹ, nhóm giao thông tiếp tục giảm do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 18-2 và có đợt giảm giá của giá cước vận tải

Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; đồng thời các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan... sẽ góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Tuy nhiên, một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh tăng theo lộ trình như giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục... cũng sẽ tác động lên mặt bằng giá. Theo dự báo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3-2016 tăng khoảng 0,1-0,2%.

Trong nhóm các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được Cục Quản lý giá dự báo, hầu hết giá cả đều ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm nhẹ sẽ giảm sức ép lên mặt bằng giá của tháng này.

Khác với xu hướng tăng giá trong tháng Tết Nguyên đán, trong thời gian tới, dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng giảm nhẹ ở hầu hết các mặt hàng.

Đối với mặt hàng phân bón, dự báo nhu cầu sẽ tăng cùng với ảnh hưởng của giá thế giới tăng nhẹ, tuy nhiên do nguồn cung vẫn dồi dào nên giá phân bón trong nước sẽ ổn định. Theo thống kê mới đây của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 2-2016 của Việt Nam ước đạt 230 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 1-2016 và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu ước đạt 433 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mặt hàng có ảnh hưởng tới xấp xỉ 10 triệu trẻ em trong nước, được dự báo vẫn tiếp tục ổn định như các tháng trước đó.

Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý giá, tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã công bố giá tối đa, giá đăng ký và giá kê khai của 808 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ở vào thời điểm đầu năm, giá hai loại vật liệu xây dựng chủ yếu là xi măng và sắt thép được dự báo sẽ cơ bản ổn định.

Đáng chú ý, giá xăng dầu thế giới tháng 3-2016 dự báo biến động mạnh, xu hướng chưa rõ ràng. Đối với mặt hàng gas (LPG), do nguồn cung ổn định và diễn biến của giá dầu trong thời gian qua nên giá LPG thế giới dự báo sẽ tăng nhẹ trong tháng này. Giá thị trường trong nước cũng sẽ điều chỉnh tương ứng mức tăng của giá CP (hợp đồng) thế giới.

Giá dầu thế giới đầu tháng 2-2016 có xu hướng biến động phức tạp và tăng nhẹ trở lại là do có nhiều nguồn thông tin cho rằng các nước thuộc tổ chức OPEC đang cân nhắc cắt giảm sản lượng khai thác. Nội bộ các nước OPEC cũng được cho rằng đã đạt được đồng thuận về giải pháp giúp giá dầu tăng trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2016 tăng 0,42% so với tháng 1-2016. Đây là tháng có CPI tăng cao so với tháng trước kể từ tháng 10-2015 trở lại đây.

CPI tháng 2-2016 tăng 1,27% so với tháng 2-2015; tăng 0,42% so với tháng 12-2015 (do CPI tháng 1-2016 không tăng). CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 tăng 1,03%.

Theo Minh Anh

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên