MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI tăng thấp: Cầu tiêu dùng có vô can?

Trong khi các nhà quản lý cho rằng mức tăng thấp của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với 0,55% trong 6 tháng đầu năm không có nguyên nhân từ sức mua, thì nhiều chuyên gia lại tỏ ra lo ngại cầu tiêu dùng chưa thực sự được cải thiện đang là tác nhân khiến cho CPI tăng thấp và nguy cơ tạo nên “sức ì” cho nền kinh tế.

Ngày 24/6, Tổng cục Thống kê đã chính thức thông báo về mức tăng CPI của tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015. Không có gì bất ngờ khi CPI vẫn theo diễn biến của năm 2014, với mức tăng khá “nhỏ giọt”, khi tháng 6 tăng 0,35% và tăng 0,55% so với năm 2014.

Không lo giảm phát!?

Mặc dù đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, song người đứng đầu Tổng cục Thống kê, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm khẳng định: sức mua yếu của nền kinh tế không phải là nguyên nhân khiến CPI tăng thấp, mà đây hoàn toàn là do điều hành của Chính phủ, đã phù hợp với tín hiệu của thị trường.

Dẫn chứng từ số liệu tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi đã loại trừ yếu tố giá, đã có mức tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, ước 6 tháng đầu năm 2015 tăng 8,5%, trong khi các năm 2012, 2013 và 2014 lần lượt tăng là 4,69%, 4,9%, và 5,69%. Tổng cục trưởng cho rằng, nhu cầu tiêu dùng năm sau đã tăng cao hơn năm trước là tín hiệu đáng mừng.

Để củng cố cho nhận định này, trong buổi trả lời báo chí sau cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô liên Bộ tối ngày 25/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng không đáng lo ngại dấu hiệu giảm phát. Cũng bởi, mặc dù CPI tăng thấp nhưng GDP lại có mức tăng khá ấn tượng với 6,28% - mức tăng mà theo Bộ trưởng Vinh là cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Các nhà quản lý cho rằng, mức tăng thấp của CPI xuất phát từ việc điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như điện, gas, xăng dầu, y tế… Ngoài ra, do chịu tác động của giá dầu giảm, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cũng giảm mạnh, trong khi ở trong nước, giá lương thực thực phẩm vốn chiếm tới 40% trong rổ tính CPI cũng tương đối ổn định hoặc tăng thấp.

Theo ông Lâm, với diễn biến khá thấp của CPI, nếu không có gì đột biến trong 6 tháng cuối năm thì CPI năm 2015 sẽ hoàn toàn đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội. Đồng thời, khi CPI giữ mức ổn định, sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các DN có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành và kích thích tiêu dùng.

Tiêu dùng có thực sự sôi động?

Đồng tình với quan điểm cho rằng, mức lạm phát thấp của năm 2014 và 6 tháng đầu năm nay là do chính sách điều hành của Chính phủ, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách tiền tệ khá chặt chẽ của Chính phủ trong ba năm trở lại đây, đã giữ ổn định lãi suất và lạm phát. Tuy nhiên, TS. Thành cũng cho rằng lạm phát thấp cũng xuất phát từ nguyên nhân tổng cầu suy giảm, suốt từ năm 2012 đến nay.

Nhìn từ rổ hàng hóa tính CPI trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, với tác nhân chủ yếu đến từ các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước kiểm soát giá như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế… TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Thương mại (Đại học Ngoại thương) cho rằng không loại trừ yếu tố sức mua giảm khiến cho CPI tăng thấp.

Phân tích cụ thể số liệu CPI tháng 6 cho thấy, loại trừ nhóm giao thông tăng cao với 3,54%, còn lại các nhóm hàng hóa tiêu dùng khác đều ở mức tăng rất thấp. Đơn cử, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm tới 0,03%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,17%; nhà ở vật liệu xây dựng tăng 0,3%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,12%... TS. Minh lo ngại cầu tiêu dùng yếu phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế đang có vấn đề.

Để củng cố thêm nhận định này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cũng bày tỏ quan điểm không đồng ý với khẳng định của Tổng cục Thống kê rằng: CPI tăng thấp không phải do sức mua kém. Phân tích cụ thể hơn, ông Phú đưa ra dẫn chứng rằng nhiều mặt hàng nông sản được bán tại vườn có mức giá rất thấp chỉ vài nghìn, song đến tay người tiêu dùng thì tăng tới vài chục nghìn; hoặc giá đường kính bán tại nhà máy chỉ 12.000 đồng/kg nhưng tại các cửa hàng, giá tăng gấp đôi với 21.000 – 22.000 đồng/kg.

Hiện rổ hàng hóa tính CPI có khoảng 500 mặt hàng, nên ông Phú cho rằng không phản ánh hết đời sống tiêu dùng và diễn biến giá cả. Đơn cử với người công nhân đi thuê nhà, ngoài chi phí thuê, tiền điện phải chấp nhận cao gấp đôi so với các hộ tiêu dùng khác, chi phí đi lại, chữa bệnh, hoặc nhiều chi phí vô lý cũng tạo thêm áp lực chi tiêu cho người tiêu dùng như các khoản thuế, phí, dịch vụ gửi xe thường tăng gấp đôi… Theo tính toán của đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, yếu tố cầu kéo phải tác động khoảng 10% đến chỉ số CPI

Các chuyên gia cho rằng, dù mặt bằng chi phí có thể giảm nhưng với nhiều khoản chi mới, bất hợp lý phát sinh, trong khi thu nhập có hạn nên đã “hãm” cầu tiêu dùng. Dẫn chứng thực tế từ nghiên cứu về Niềm tin của người tiêu dùng trong quý I/2015 do Nielsen thực hiện cho thấy, mặc dù niềm tin của người tiêu dùng đã tăng mạnh với 112 điểm, là mức tăng cao nhất từ năm 2010.

Tuy nhiên, trong tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưu tiên hàng đầu là giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm, khi có đến 86% người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn và có tới hơn 60% giảm chi tiêu cho mua quần áo mới, điện, gas, giải trí, hàng gia dụng…

Với mức tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm là 6,28%, các chuyên gia cho rằng lạm phát phải ở con số gần sát ngưỡng tăng của GDP, ở mức 4 – 5% thì mới phản ánh được sự sôi động của nền kinh tế và thị trường. Do đó, cần phải “coi chừng” mức tăng thấp với 0,55% trong 6 tháng đầu năm để có chính sách điều hành hợp lý, thúc đẩy tiêu dùng và thị trường, nâng cao hơn nữa nội lực của nền kinh tế.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên