MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“CPI tăng thấp có những điểm tích cực”

Tại buổi công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày 23-6, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã giải đáp một số vấn đề “nóng” với báo chí liên quan đến CPI 6 tháng đầu năm 2015.

6 tháng đầu năm 2015, CPI mới chỉ tăng 0,55%. Ông có thể đánh giá tác động của CPI thấp này với tăng trưởng GDP và nền kinh tế nói chung?

Mức giá tăng như thời gian vừa qua là dấu hiệu rất tốt cho quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tất nhiên về lý thuyết, mức giá phải tăng ở mức phù hợp mới kích thích các đơn vị sản xuất, kích thích doanh nhân sản xuất bán được hàng hóa.

Nhìn chung, với toàn bộ nền kinh tế, mức giá tăng như thời gian vừa qua giúp đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để chúng ta thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Cho nên mức giá thấp này không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Hiện nay chúng tôi tính toán GDP của toàn bộ nền kinh tế quý II và 6 tháng cho thấy bức tranh rất đẹp, tăng trưởng rất tốt. Trừ khu vực nông nghiệp có suy giảm do thời tiết, giá cả, còn lại khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng rất tốt.

CPI tăng thấp không tác động đến tăng trưởng GDP cũng là dấu hiệu tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành kinh tế.

Nhiều ý kiến lo ngại CPI tăng thấp là “cớ” để giá xăng tăng, điện tăng, dịch vụ y tế tăng, lãi suất cũng tăng… Liệu có lo ngại nguy cơ tăng giá hàng loạt các loại hàng hóa, dịch vụ hay không, thưa ông?

CPI tăng thấp cũng có những điểm tích cực. Đối với Chính phủ, mỗi quyết định tăng giá ở mặt hàng chiến lược nào đó từ năm ngoái đến nay đều có sự phối hợp tốt của 4 bộ, ngành. Đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước. Như tôi đã nói đầu năm nay, Bộ Y tế có kế hoạch tăng giá dịch vụ y tế. Khi đưa ra mức giá dự kiến tăng, Bộ Kế hoạch và  Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã tính toán và có trao đổi với Bộ Y tế, rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Mọi việc tăng giá các mặt hàng chiến lược trong thời gian tới theo chủ trương của Chính phủ đều được 4 Bộ và các bộ có liên quan tính toán rất kỹ và đánh giá tác động đến nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta không sợ việc tăng giá các mặt hàng ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2015 tăng khoảng 9,76% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,7%). Chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cho thấy sức cầu vẫn tăng. Như vậy không phải CPI thấp là do sức mua yếu, hoàn toàn là do giá cả thế giới ổn định, do quản lý điều hành, do các yếu tố về thị trường, sản xuất.

(Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

Ngay câu chuyện tăng giá điện, Bộ Công Thương đưa ra 3 kịch bản là tăng 7,5%, 8,5% và 9,5%. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán tác động của từng phương án đối với CPI, GDP và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo thường trực Chính phủ. Sau đó, Chính phủ đã chọn giải pháp tăng giá điện 7,5% thay vì Bộ Công Thương rất muốn tăng ở kịch bản cao hơn.

Chúng tôi có thể khẳng định hiện nay Chính phủ đã có sự chỉ đạo phối hợp rất tốt nên mọi sự tăng giá đều phải nằm trong tầm kiểm soát và đều có dự báo đánh giá tác động của nó đến nền kinh tế. Chúng ta không cần lo ngại về điều này.

Dự báo giá dầu năm nay dao động quanh mức 65-70 USD/thùng. Mức giá này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Bộ Công Thương, dự kiến giá dầu của Việt Nam trong cả năm 2015 ở mức 65-70 USD/thùng. Mức giá này hoàn toàn đảm bảo cho khai thác, kinh doanh dầu thô đảm bảo có lãi và ngành khai thác dầu phát triển tốt. Cụ thể, qua số liệu khai thác của 6 tháng đầu năm để tính toán GDP, chúng tôi thấy khai thác dầu thô tăng rất tốt so với 6 tháng đầu năm ngoái và công nghiệp khai khoáng cũng là ngành giúp GDP tăng trưởng tốt trong quý II và 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nếu so với mức giá bình quân của năm 2014 là 103 USD/thùng, thì mức giá 65-70 USD/thùng ảnh hưởng rất nhiều đến thu ngân sách Nhà nước. Khi tôi làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, riêng giá dầu hiện nay làm giảm thu của Nhà nước từ 20.000-30.000 tỷ đồng nhưng sẽ có các nguồn thu khác bù vào. Cho nên CPI hay giá dầu không tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lương Bằng

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên