CPI tháng 3 tăng 0,15%: "Gió đã đổi chiều"
Tổng cục thống kê vừa công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3/2015. Theo đó, CPI cả nước tháng 3 (tháng sau Tết nguyên đán Ất Mùi) tăng 0,15% so với tháng trước.
- 20-03-2015Tp. Hồ Chí Minh: CPI tháng 3 tăng 0,16%
- 20-03-2015Hà Nội: Giá thực phẩm và khí đốt tăng kéo CPI tháng 3 tăng trở lại
- 16-03-2015Điện và xăng tăng giá tác động cụ thế đến CPI như thế nào?
Tóm tắt:
- Theo số liệu của Tổng cục thống kê, CPI cả nước tháng 3 (tháng sau Tết nguyên đán Ất Mùi) tăng 0,15% so với tháng trước.
- Đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 có 6/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở vật liệu xây dựng...
- Có 5/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước gồm: nhóm giao thông, nhóm đồ uống thuốc lá, nhóm bưu chính viễn thông...
Đây là một xu hướng khá bất ngờ, vì tháng 3 hàng năm CPI thường giảm so với tháng 2 do nhu cầu mua sắm của người dân sau dịp Tết nguyên đán đã kết thúc.
So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng này tăng 0,93%. Tính đến hết quý I năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 0,74%.
Đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 có 6/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất 0,36% so với tháng trước.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18% so với tháng trước. Nghỉ Tết nguyên đán kéo dài cộng với các lễ hội sau Tết liên tiếp diễn ra trên khắp cả nước là điều kiện để giá các loại hàng ăn uống và các dịch vụ vui chơi, giải trí, lễ hội... tăng giá mạnh so với tháng trước.
Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,16%
Nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,09%
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%
Nhóm giáo dục tăng nhẹ 0,01%
Ở chiều ngược lại, có 5/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Cụ thể:
Nhóm giao thông giảm 0,31%
Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,04%
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%
Nếu như 4 tháng trước, chỉ số giá nhóm giao thông liên tục giảm mạnh “kéo” CPI đảo chiều giảm thì tháng này, dường như “gió đã đổi chiều”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3 vừa qua cũng góp phần đẩy CPI tăng lên. Bên cạnh đó, kể từ ngày 11/3, giá xăng tăng 1.616 đồng/lít cũng khiến cho chi phí của người dân tăng, đẩy CPI tăng lên.
Diễn biến CPI của cả nước không quá bất ngờ khi trước đó, Cục thống kê Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng so với tháng trước. Cụ thể, CPI Hà Nội tăng 0,38% so với tháng trước và CPI TP Hồ Chí Minh tăng 0,16% so với tháng trước.
Không nằm trong giỏ tính chỉ số giá, chỉ số giá vàng và giá đô la Mỹ có diễn biến trái chiều khi chỉ số giá vàng giảm 1,63% so với tháng trước và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,16% so với tháng trước.
>>>CPI của Hà Nội và Tp.HCM tăng trở lại
Nguyệt Quế