Cửa thoát phụ thuộc Trung Quốc đã mở, Việt Nam làm gì?
‘Chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản cần phải được tổ chức lại. Cá nhân tôi sẽ đề nghị Quốc hội có hoạt động giám sát về việc này’.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã chia sẻ với chúng tôi trước tình hình Biển Đông căng thẳng trong khi hàng nông sản Việt Nam lại đang phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
PV:-Thưa ông, có lẽ gần đây nỗi lo lớn nhất của các chuyên gia và từng người dân là làm sao giảm bớt sự lệ thuộc về kinh tế từ Trung Quốc. Trong phần phát biểu của mình trước Quốc hội ông cũng thể hiện sự lo lắng này và cho rằng cần có giải pháp cụ thể. Vậy ông có thể nói kỹ hơn về giải pháp và theo ông vì sao Việt Nam lại phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như vậy để đến khi ‘có chuyện’ chúng ta lại phải lo lắng như thế này?
TS Vũ Tiến Lộc: -Đối với thị trường Trung Quốc có thể thấy thượng vàng hạ cám, cái gì Việt Nam cũng có thể bán được sang đó với giá thấp, đồng thời hiệu quả không cao. Tuy nhiên trước mắt chúng ta vẫn phải chọn vì đảm bảo đầu ra cho nông nghiệp của mình.
Còn về đầu vào nguyên liệu phụ tùng các ngành công nghiệp chủ yếu nhập vào từ Trung Quốc. Do đó để thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cần chú ý hai điểm quan trọng này.
Đối với nông sản tôi nghĩ phải thực hiện tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Phải xác định rằng khu vực nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp có cạnh tranh cao. Do đó sản phẩm nông nghiệp phải gắn được với công nghiệp chế biến, gắn với các chuỗi giá trị. Nó bao gồm từ giống, cây trồng, thu hoạch bảo quản, chế biến… thậm chí phải làm ra những sản phẩm từ ứng dụng công nghệ cao.
Nói chung là phải đầu tư đủ mức và ứng dụng công nghệ cao thì mới mong tạo ra những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao. Với những sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao như vậy thì trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do khi mở cửa thị trường nông sản thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội. Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn và các thị trường khó tính.
Thực tế phải thừa nhận đó là nguyên vật liệu từ trước tới giờ Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, thậm chí cả các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đặt nhà máy ở Việt Nam cũng chỉ định mua nguyên liệu từ Trung Quốc vì giá rẻ. Cả dệt may, da giày, điện tử đều nhập thiết bị, nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
Bao nhiêu năm nay sự quan tâm của các ngành chức năng chưa đủ mức, chưa có một chương trình hành động thực sự hiệu quả để phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Cho nên bây giờ công nghiệp hỗ trợ nhiều ngành rất yếu mà yếu thì phải nhập khẩu. Nhập khẩu thì thị trường thuận tiện nhất và chi phí thấp nhất vẫn là Trung Quốc.
PV: -Vậy theo ông phải thoát ra như thế nào và khi thoát ra khỏi thị trường đó thì chúng ta sẽ ra sao?
TSVũ Tiến Lộc: - Hiệp định thương mại sẽ giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với thị trường của các nước khác ngoài Trung Quốc tốt hơn, vì thuế quan sẽ giảm xuống. Các hàng nhập khẩu từ các nước khác ngoài Trung Quốc sẽ không phải cõng thêm thuế nhập khẩu nên giá sẽ thấp.
Thứ hai là mình có thể thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điều này chúng ta đã nói nhiều năm nay rằng phải phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo ra linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp của chúng ta.
Cho nên bây giờ nên chọn một số ngành công nghiệp trọng điểm mà chúng ta có lợi thế để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nó. Ngay cả trong nông nghiệp thì đó là phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị phục vụ cho nông nghiệp.
Bây giờ trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương lớn là cơ hội để tái cấu trúc, thực sự có quyết tâm có chương trình hành động cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là cách để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc kể cả đầu ra của nông sản, và đầu vào của công nghiệp.
Tôi cho rằng Hiệp định thương mại tự do là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh quá trình này. Hành động này cần có sự phối hợp vai trò của các doanh nghiệp vô cùng quan trọng tạo ra các chuỗi giá trị chứ bản thân nông dân không làm được.
PV:-Thưa ông nhưng thực tế doanh nghiệp thời gian qua chưa thể hiện rõ vai trò này. Ngay cả với 2 Tổng Công ty Lương thực I và II cũng có nhiều ý kiến phản ánh mới thể hiện đúng vai trò của con buôn chứ chưa làm được chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, tạp vùng nguyên liệu ổn định chất lượng cao. Vậy theo ông với bất cập này phải được hạn chế như thế nào?
TS Vũ Tiến Lộc:- Hiện nay ở Việt Nam đã có một số mô hình tạo chuỗi giá trị nông sản như cánh đồng mẫu lớn. Tại đây bà con nông dân được tạo điều kiện góp ruộng, xây dựng được chuỗi giá trị từ đầu đến cuối. Hay một số mô hình khác về bò sữa.
Cơ hội của TPP có cơ hội gắn với thị trường thế giới ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản …nhưng quan trọng là phải tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và gắn với công nghệ cao để đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và sự ổn định về số lượng.
Còn về ý kiến phản ánh vai trò của Tổng công ty Lương thực I và II, tôi cho rằng chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản cần phải được tổ chức lại. Tôi tin chắc rằng Chính phủ đã có hướng về việc này. Và cá nhân tôi cũng sẽ đề nghị nghiên cứu, thậm chí Quốc hội có hoạt động giám sát về việc hình thành các giá trị nông sản. Trên cơ sở đó có phương hướng tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và chuỗi giá trị nông sản để gắn nông nghiệp với nông dân để tạo ra chuỗi giá trị.
Tôi muốn khẳng định một lần nữa rằng: chuỗi giá trị về sản phẩm nông sản cần phải tổ chức lại bài bản để chúng ta chủ động trong mọi tình huống và vươn đến các thị trường cao cấp hơn, không phục thuộc Trung Quốc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Bích Ngọc