"Cường quốc" nông nghiệp có nguy cơ sụp đổ?
Khủng hoảng của ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng thấp, bế tắc về đầu ra tiêu thụ… đang khiến cho đất nước vốn được “mệnh danh” là cường quốc nông nghiệp đang có nguy cơ sụp đổ?
Tăng trưởng của ngành nông nghiệp chưa bao giờ đạt mức thấp như vừa qua, khi 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,36%. Việc chỉ “chạy” theo số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng, đã khiến cho TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tỏ ra lo ngại khi “sức khỏe” của ngành nông nghiệp – vốn là trụ cột của nền kinh tế, nơi đã tạo ra việc làm cho hơn 70% người dân đang lâm vào “khủng hoảng”.
Làm kiểu “ăn xổi”, lĩnh đủ
Tư duy làm nông nghệp theo kiểu “ăn xổi” đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, khi chỉ đạt mức tăng trưởng trên 2,36%, thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm là 2,9%. Theo TS. Phương thì việc thiếu đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, bao gồm các loại sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã khiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam càng kém sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới đang ở mức rất lớn và dư thừa, nhiều nước bảo hộ sản phẩm nông nghiệp, càng khiến cho các sản phẩm nông nghiệp phải chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt, buộc phải giảm mạnh giá.
TS. Phương lo ngại, mặc dù nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam giữ vị trí nhất nhì thế giới như gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su… song với kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm 2,8% trong 6 tháng đầu năm, đang khiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam – vốn được mệnh danh là cường quốc lâm vào khủng hoảng.
Nhìn từ góc độ giá, TSKH. Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia kinh tế chỉ ra là trong khi hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, thì giá lương thực và hàng ăn uống lại giảm. Như vậy, giá hàng nông sản giảm đồng nghĩa với sự sụt giảm của ngành nông nghiệp, vốn được xem là trụ cột kinh tế.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này, là do những vấn đề nảy sinh trong điều hành kinh tế vĩ mô, là chuyện tìm đầu ra cho nông sản. Không chỉ vào cuộc chậm trễ trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản, mà theo TS. Hiền thì chính sự “vô cảm” của những quan chức vốn có trách hiệm lo tiêu thụ đầu ra cho nông dân, đã khiến cho quả vải hay nhiều mặt hàng trái cây nông sản khác, trong nhiều năm phải “qua tay thương lái Trung Quốc để đến nhiều nước.
Đến lúc phải “thay máu” cho nông nghiệp
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cũng chỉ ra thực tế là do sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là chủ yếu. Hiện Việt Nam có khoảng 70% hộ có quy mô sản xuất dưới 0,5ha, khoảng 35% số hộ có quy mô đất sản xuất dưới 0,2ha. Đặc biệt, hầu hết các mặt hàng chủ lực chưa có hoặc chưa được sản xuất theo quy hoạch, các quy hoạch được xây dựng còn chưa gắn với thị trường.
“Hoạt động kinh doanh nông sản chủ yếu do các thương nhân kinh doanh nhỏ lẻ là thương lái thực hiện. Chủ thể này đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra những bất ổn về giá của cung cầu thị trường nông sản, do chưa thực hiện được nhiệm vụ tiêu hàng hóa nông sản cho nông dân một cách ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất và thu được lợi nhuận hợp lý”, ông An nói.
Đặt trong điều kiện hội nhập sâu rộng khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại các sản phẩm nông nghiệp có thể bị hàng ngoại nhập “đánh bật” khỏi thị trường. Bởi theo ông Phú, hệ thống phân phối giúp cho sản xuất tiêu thụ nông sản, rau quả còn yếu kém, không minh bạch, khiến cho tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn luôn đeo đẳng người nông dân.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có các chính sách mạnh mẽ hơn để “cứu” ngành nông nghiệp thoát khỏi khủng hoảng và “thay máu” cho ngành sản xuất quan trọng này. TS. Phương cho rằng để nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc hơn, cần có cuộc cách mạng trong nông nghiệp, sản xuất tập trung, có quy hoạch tốt, không chạy theo số lượng mà phải chuyển sang chất lượng, chú trọng xây dựng thương hiệu xuất khẩu và hoàn thiện khâu thu mua, phân phối và tiêu thụ.
Còn theo ông Phú, việc tái cơ cấu nông nghiệp phải đi từ nhận thức đến hành động cụ thể, coi nông nghiệp là ngành sản xuất quan trọng của nền kinh tế. Tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, cần phải có tỷ lệ đầu tư thích đáng vào nông nghiệp như cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, kho bến bãi, chợ, siêu thị, các sàn giao dịch nông sản thực phẩm, chợ đầu mối, kho dự trữ chiến lược về rau quả chủ lực ở nội địa cũng như ở biên giới với các nước có giao dịch thương mại.
Thị trường nội địa đang là “chiếc áo chật” với ngành nông nghiệp, TS. Nguyễn Song Bình (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc mở cửa sâu rộng thị trường cũng tạo ra cơ hội cho hàng nông, thủy sản rộng đường hơn với mức thuế suất về 0%.
Tuy nhiên, kèm theo đó là các rào cản thương mại nên nông sản Việt Nam cần phải vượt qua được rào cản để xâm nhập thị trường. Theo đó, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, kiến thức thị trường và năng lực tài chính, DN cần đầu tư về lâu dài phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng trên cơ sở đảm bảo tốt khâu xử ký kiểm dịch…