Đà Nẵng “chẻ” sân Chi Lăng giúp nhà đầu tư huy động vốn
Phiên chất vấn kỳ họp HĐND Đà Nẵng ngày 11-12 nóng lên khi các đại biểu yêu cầu làm rõ chuyện TP tách sân vận động Chi Lăng ra 10 lô, “tạo điều kiện” cho Tập đoàn Thiên Thanh huy động vốn.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Sơn hỏi: “Dự án khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng ở sân vận động Chi Lăng có thực hiện không? Tại sao bán cho Tập đoàn Thiên Thanh lập dự án mà lại phân lô ra bán, có đúng như vậy không?”.
“Tạo điều kiện”
Đừng bỏ tiền mua thiết bị về bỏ không Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 27 triệu USD (gần 600 tỉ đồng) dù đã nghiệm thu nhưng suốt ba năm nay nhiều thiết bị đắt tiền vẫn “trùm mền” chưa một ngày sử dụng gây lãng phí nghiêm trọng (bài “Trên sắm đồ xịn dưới không ai dùng”, Tuổi Trẻ ngày 11-9) đã được các đại biểu đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Ông Trần Thọ, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu Sở Thông tin - truyền thông phải hết sức lắng nghe các ý kiến của đại biểu, phải tiến hành rà soát lại thật kỹ, chấm dứt tình trạng mua sắm thiết bị về không ai dùng gây lãng phí. |
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết năm 2010 TP thống nhất kêu gọi đầu tư xây dựng khu phức hợp tầm cỡ ở khu đất sân vận động Chi Lăng.
Sau thời gian kêu gọi, chỉ có Thiên Thanh xin đầu tư nên TP thống nhất giao khu đất này cho họ thực hiện dự án. Đến năm 2011, Tập đoàn Thiên Thanh có văn bản chính thức đề nghị cho phép huy động đầu tư.
Theo ông Tuấn, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, chính vì vậy để giải quyết nguyện vọng của nhà đầu tư cũng như muốn thúc đẩy dự án đúng tiến độ, sau khi cân nhắc lãnh đạo TP thống nhất giao quyền sử dụng đất cho 10 đơn vị thành viên của Tập đoàn Thiên Thanh để huy động vốn sớm thực hiện dự án theo đúng tiến độ thời gian đã cam kết. Tuy nhiên, thời gian gần đây lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh bị điều tra vì liên quan đến vấn đề tài chính.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm vừa qua TP có họp đề nghị nhà đầu tư làm khu liên hoàn, không được chuyển nhượng dự án dưới bất cứ hình thức nào, yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ. Nếu nhà đầu tư không thực hiện, căn cứ Luật đất đai thu hồi dự án.
Sau phần trả lời của ông Tuấn, các đại biểu vẫn chưa bằng lòng và băn khoăn việc chia khu đất ra 10 lô như vậy đúng hay sai.
Ông Mai Đức Lộc, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, nói: “Như anh Tuấn nói là ta cho tách ra 10 lô để nhà đầu tư huy động vốn, vậy đúng hay sai? Nếu sau này cấp phép cho các dự án khác, ta có cho phép tiếp tục tách như vậy không?”.
Còn đại biểu Trần Văn Lĩnh chất vấn: “Tôi được biết là toàn bộ khu đất đó chia ra, họ đem 10 lô nhỏ cầm cố tại ngân hàng. Ví dụ sau này theo luật dân sự ngân hàng đem ra phát mãi bán đấu giá thu hồi vốn, TP có xử lý được không?”.
Giải đáp lo ngại của đại biểu, ông Tuấn nói: “Việc Thiên Thanh đang bị điều tra tài chính không ảnh hưởng việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND TP yêu cầu cơ quan điều tra ghi nhận hai việc là không cho phép chuyển nhượng dự án dưới bất cứ hình thức nào, không được phát mãi nếu các ngân hàng đặt vấn đề. Quan điểm của TP là khu thương mại tổng hợp liên hoàn chứ không được xây dựng manh mún... Còn việc chia tách khu đất là thực hiện đúng theo Luật đất đai”.
Dù ông Tuấn khẳng định như vậy nhưng Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ vẫn yêu cầu: “Theo các anh là đúng, các đại biểu thì băn khoăn, vì vậy phải cho kiểm tra rà soát lại văn bản hiện hành về đất đai việc phân tách ra 10 sổ đỏ như vậy có phù hợp hay không”.
Giấu đất phải xử hình sự
Phó chủ tịch thường trực TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cho biết qua rà soát tại các ban thì TP phát hiện có hơn 14.500 lô đất tái định cư thừa.
Do trước đây TP lập ra 17 ban, công ty có trách nhiệm điều hành giải quyết vấn đề giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư.
Việc tách ra nhập vào nhiều lần dẫn đến việc thống kê, bàn giao số liệu không đầy đủ. Nhiều ban quá dẫn đến quản lý không nổi.
TP quản lý các ban này có sự lỏng lẻo, vì thật sự công việc trên TP rất nhiều nên cũng không quán xuyến hết, trong khi đó TP lại không có một đơn vị để có thể xâu đầu mối về đất đai tái định cư.
Ông Khương thẳng thắn: “Công tác điều hành của các ban quản lý, công ty về đất đai còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm, nhiều ban làm rất tùy tiện, báo cáo không trung thực và có chuyện giấu đất tái định cư. TP sẽ tiến hành kiểm điểm làm rõ nguyên nhân xử lý theo quy định những cán bộ ém đất của dân”.
Chưa đồng tình với cách giải quyết của TP, đại tá Nguyễn Quốc Bình (đại biểu HĐND TP) nhấn mạnh có sự buông lỏng, quản lý lỏng lẻo trong việc cấp đất tái định cư.
“Tôi đề nghị quy trách nhiệm thuộc về ai, vì sao lại giấu đất mà một loạt cơ quan công quyền không biết. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho lãnh đạo TP ở đâu? Chức năng kiểm tra ra làm sao? Cái này dân nói rất đúng, các anh làm tự tung tự tác, tác oai tác quái. Tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm việc này thuộc về ai” - ông Bình nói.
Thừa Thiên - Huế: chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất Chiều 11-12, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 11 người giữ chức danh do HĐND bầu. Ông Trần Đình Phòng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với sáu phiếu (trong tổng số 50 phiếu bầu). Tiếp đó là ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng UBND tỉnh, với năm phiếu tín nhiệm thấp. Quảng Bình: chủ tịch HĐND tỉnh được tín nhiệm cao nhất Ngày 11-12, HĐND tỉnh Quảng Bình đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 12 người giữ các chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là ông Lương Ngọc Bính, chủ tịch HĐND tỉnh, với 41 phiếu (trong tổng số 47 phiếu bầu). Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Trương An Ninh, chánh văn phòng UBND tỉnh với tám phiếu. Khánh Hòa: chủ tịch tỉnh nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp Sáng 11-12, HĐND tỉnh Khánh Hòa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 13 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Kết quả, ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - là một trong số bốn người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, với năm phiếu trong tổng số 46 phiếu bầu. |