MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng hấp dẫn nhà đầu tư Nhật

Có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giá nhân công rẻ, môi trường đầu tư thông thoáng… đã và đang khiến TP. Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc.

Lợi thế cạnh tranh

Tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Đà Nẵng” do UBND TP. Đà Nẵng, Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng vừa mới tổ chức, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và Nhật Bản đã có nền tảng bền vững và đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất…

Nếu như trước đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản thường quan tâm đến Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, nhưng gần đây họ đã chú ý nhiều đến thành phố bên sông Hàn. Bởi, bên cạnh những lợi thế tự nhiên, chính quyền TP. Đà Nẵng còn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, trong đó có Nhật Bản.

Ông Mai Đăng Hiếu, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian gần đây Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản còn tích cực mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Thành phố đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ và triển khai quan hệ hợp tác hữu nghị với TP. Kawasaki, Sakai Yokohamam, Mitsuke và đang từng bước xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ với Nagasaki, Kobe, Yaizu, Fukuoka, Otawara, Nemuro, Kushiro, Matsusaka. Đà Nẵng là địa phương tiên phong của Việt Nam có văn phòng đại diện tại Tokyo…

Đến nay, có hơn 120 DN, văn phòng đại diện của các công ty đến từ Nhật Bản đã và đang hoạt động tại Đà Nẵng, với tổng số vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động địa phương. Hàng năm, Đà Nẵng còn đón tiếp khoảng 200 đoàn khách Nhật đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có nhiều công trình sử dụng nguồn vốn ODA từ Nhật Bản như: Hầm đường bộ Hải Vân, dự án nâng cấp Cảng Tiên Sa, Bệnh viện Đà Nẵng…

Chia sẻ về khả năng và cơ hội đầu tư tại TP. Đà Nẵng, ông Atsusuke Kawada, trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho rằng, TP. Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ thông thương quốc tế khi nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền các nước trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, địa phương còn có sức hút mạnh mẽ với môi trường đầu tư, với các chính sách thông thoáng được chính quyền thực hiện minh bạch rõ ràng, giao dịch hành chính thuận lợi…

Tương tự, theo ông Iwama Shinichi, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng, ở đây còn có lợi thế chi phí nhân công rẻ. Chi phí mức lương tại đây chỉ bằng 1/3 mức lương phải trả cho công nhân Trung Quốc, một vấn đề quan trọng trong việc quyết định đầu tư...

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Tuy được đánh giá cao, song cũng như nhiều địa phương khác, TP. Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế, tạo ra rào cản đối với nhà đầu tư như: Hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất, nhà ở cho người nước ngoài, các dịch vụ tiện ích, cơ chế chính sách… đặc biệt là vấn đề nhân lực, cụ thể là đội ngũ nhân lực có trình độ cao.

Để chuẩn bị đón làn sóng nhà đầu tư Nhật Bản, TP. Đà Nẵng đã áp dụng thí điểm dạy tiếng Nhật tại trường THCS và THPT. Đến nay, địa phương là nơi có số lượng học sinh, người học tiếng Nhật nhiều nhất miền Trung.

Tuy nhiên, trong thực tế nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt, việc tìm kiếm nhân lực có chuyên môn sâu, biết tiếng Nhật để có thể thực hiện những công việc theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Trong khi đó, theo ông Nagayama, Chủ tịch Tập đoàn Route Inh, đến năm 2020 nguồn nhân lực của tập đoàn sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Bởi vậy, Route Inh muốn đến Việt Nam để tìm kiếm, lựa chọn nguồn nhân lực thay thế và bổ sung cho hơn 12 nghìn nhân công đang làm việc. Lúc đó, chắc chắn nguồn nhân lực địa phương biết tiếng Nhật sẽ rất quan trọng.

Ngoài ra, theo ông Atsusuke Kawada, để thu hút các nhà đầu tư trong thời gian đến Đà Nẵng cần phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt, đến tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bởi, khu vực này đang có nhiều DN Nhật Bản tập trung đầu tư. Nếu tuyến đường này hoàn thành sớm trước năm 2017, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến đây làm ăn.

Cũng về cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng vẫn có những điểm bất lợi, như việc thiếu cơ sở y tế hay trường học cho con em người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại thành phố.

Do vậy, nhiều doanh nhân đến từ Nhật Bản đang làm việc tại Đà Nẵng mong muốn, cần có các dịch vụ y tế, giáo dục dành cho người nước ngoài, để họ yên tâm ở lại lâu dài. Điều này sẽ tạo ra sức hút lớn hơn trong mắt nhà đầu tư...

Thấy rõ những hạn chế TP. Đà Nẵng đang phải đối mặt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, ông Phùng Tấn Viết khẳng định, thành phố sẽ tiếp thu xử lý những vướng mắc, rào cản; Đồng thời, tiếp tục tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đây, trong đó Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu.

Ông Phùng Tấn Viết cũng cho biết định hướng của Đà Nẵng sẽ chú trọng thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, khu nghỉ dưỡng, resort, dịch vụ ẩm thực văn hóa, du lịch… Đây cũng chính là những thế mạnh của các nhà đầu tư đến từ xứ sở mặt trời mọc…

Theo Nghi Lộc

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên