Đà Nẵng không muốn FDI "ngoảnh mặt làm ngơ"
Nhiều thắc mắc cụ thể, sát sườn của từng đơn vị đã được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành giải đáp trực tiếp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch cho cộng đồng DN FDI.
Tổng vốn đầu tư FDI vẫn khiêm tốn
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết mặc dù khó khăn nhưng Đà Nẵng vẫn duy trì tốc độ phát triển tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây đạt 9,2%; cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Đà Nẵng đã và đang tiếp tục hướng tới xây dựng thành phố trẻ với diện mạo hiện đại, thân thiện với môi trường, thuận lợi trong đầu tư kinh doanh.
Tuy nhiên tổng lượng vốn đầu tư và số lượng doanh nghiệp FDI vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng chỉ thu hút được khoảng 153 triệu USD với 22 dự án đăng ký cấp mới và 14 dự án tăng vốn. Như vậy cho đến thời điểm này, toàn Thành phố hiện có 304 dự án của 36 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng mức đầu tư 3,37 tỷ USD.
Ông Văn Hữu Chiến cho biết, “mặc dù những đóng góp của các doanh nghiệp FDI vào sự phát triển của Thành phố là rất đáng kể, nhưng việc thu hút vốn FDI vào Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là nỗi trăn trở của chính quyền Thành phố và mong muốn được các DN góp ý.
Quyết tâm gỡ từng nút thắt
Phát biểu tại đối thoại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng Shinichi Iwama kiến nghị, phía chính quyền cần quan tâm hơn đến hệ thống hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội như nhà ở cho công nhân, các tuyến giao thông công cộng, mở rộng hạ tầng khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Ghi nhận những kiến nghị của ông Shinichi Iwama, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Duy Khương cho biết, hiện Đà Nẵng đã rà soát và đang thu hồi các dự án chậm, không triển khai để bố trí cho các đơn vị có nhu cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhu cầu đất ít (dưới 1.000m2).
Đồng thời, các hạng mục phúc lợi xã hội đã nằm trong quy hoạch của các khu công nghiệp. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng một số khu nhà ở cho công nhân. Nhưng do nhu cầu nhà ở vẫn còn cao, Thành phố khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các hạng mục trên, để công nhân, người lao động có một môi trường sống tốt.
Một nhà máy hoạt động trong lĩnh vực ô tô tại Đà Nẵng |
Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt công cộng nối giữa trung tâm thành phố với các khu công nghiệp nhằm hỗ trợ nhu cầu đi lại của người lao động sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, tuyến xe buýt từ khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2015.
Cũng tại buổi đối thoại, các DN đã nêu câu hỏi, chất vấn, kiến nghị liên quan trực tiếp đến DN mình. Ông Võ Duy Khương đã yêu cầu từng sở, ngành trả lời cụ thể để gỡ “vướng” cho DN về nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục thuế, hoàn thuế, xuất-nhập khẩu, hải quan, môi trường đầu tư, xây dựng, chính sách…
Đối với gần 100 kiến nghị, vướng mắc không kịp trả lời trực tiếp, chính quyền Thành phố sẽ có văn bản trả lời cụ thể gửi đến từng DN.
Ghi nhận kênh thông tin giữa DN và chính quyền còn chưa thông suốt, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cho biết, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kết nối giữa chính quyền và DN. Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện giúp DN nắm bắt, tiếp cận thông tin về các chính sách của Chính phủ lẫn địa phương để yên tâm kinh doanh tại đây.
“Bên cạnh việc nghiên cứu chính sách của Trung ương, Thành phố cũng sẽ có những ưu đãi riêng nhằm tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho các DN FDI hoạt động trên địa bàn”, ông Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.
Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả chính quyền điện tử, tinh gọn các thủ tục hành chính, chấn chỉnh thái độ làm việc của công chức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp.
>>>Đà Nẵng xin ưu đãi vượt trội để thu hút FDI
Theo Hồng Hạnh