Đàm phán TPP: Có thể sẽ "dễ thở" hơn đối với DNNN
Về mặt chính sách, Việt Nam cũng đang quyết tâm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các DNNN, qua đó giảm dần số lượng DNNN cũng như tỷ trọng của nhóm DNNN trong nền kinh tế.
- 17-06-2015Đàm phán TPP: Không có thông tin cụ thể về các yêu cầu VN mở cửa thị trường hàng hóa
- 15-06-2015Doanh nghiệp ngoại “trẩy hội TPP” tại Việt Nam
- 29-05-2015TPP và 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam
- 25-04-2015Ông Trương Đình Tuyển: Phải gồng lên đàm phán TPP
Trung tâm WTO Việt Nam (Phòng Thương mại Công nghiệp -VCCI) vừa có báo cáo cập nhật tình hình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến tháng 5/2015.
Báo cáo cập nhật có nêu: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là một Chương quan trọng trong đàm phán TPP, với mục tiêu đưa ra những quy định ràng buộc các hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước ở các nước TPP. Đây là chế định thương mại mới, chưa có trong WTO cũng như trong các FTAs (kể cả các FTA thế hệ mới gần đây). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nước thành viên TPPcó quan điểm rất khác nhau về vấn đề này.
Theo thông tin từ nhiều nguồn thì đề xuất ban đầu về Chương DNNN của Hoa Kỳ chứa đựng các nguyên tắc ràng buộc các DNNN về phạm vi cũng như cách thức hoạt động, theo hướng DNNN bị hạn chế, ràng buộc hơn so với các doanh nghiệp khối tư nhân. Đề xuất này của Hoa Kỳ được cho là sẽ gây khó khăn cho các nước có khu vực kinh tế Nhà nước lớn như Malaysia, Việt Nam, thậm chí cả những nước mà tuy phát triển mạnh kinh tế tư nhân nhưng vẫn có những DNNN lớn như Singapore…
Sau nhiều vòng đàm phán chính thức và không chính thức, dường như Chương DNNN hiện đã được điều chỉnh theo hướng thay vì quy định một khung khổ pháp lý riêng mang tính hạn chế đối với DNNN, Chương DNNN trong TPP sẽ bao gồm những quy tắc nhằm đảm bảo DNNN hoạt động kinh doanh bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh như doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, có tin cho hay Chương DNNN sẽ không bao gồm các DNNN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (tức là chỉ áp dụng đối với DNNN sản xuất hàng hóa).
Mặc dù không thể tiếp cận được các chi tiết đàm phán về DNNN, có thể thấy nếu đàm phán Chương DNNN trong TPP nếu đi theo hướng như đề cập ở trên thì hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển DNNN của Việt Nam, thậm chí có thể còn hẹp hơn bởi không bao gồm DNNN trong lĩnh vực dịch vụ (nếu thông tin về việc Chương DNNN trong TPP chỉ bao gồm DNNN trong lĩnh vực thương mại hàng hóa là chính xác).
Cụ thể, về mặt pháp luật, với việc bỏ Luật DNNN và đưa nhóm doanh nghiệp này vào phạm vi điều chỉnh chung của Luật Doanh nghiệp 2005 (chỉ phân biệt doanh nghiệp theo loại hình pháp lý, không phân biệt theo nguồn gốc vốn), DNNN hiện đã hoạt động trong cùng một khung khổ, với cùng các quyền và nghĩa vụ như tất cả các doanh nghiệp khác thuộc khu vực tư nhân.
Với Luật Doanh nghiệp 2014, nhóm DNNN thậm chí còn bị kiểm soát theo một cơ chế chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo tính minh bạch hơn trong quản trị doanh nghiệp thông qua một Chương riêng về quản trị đối với DNNN.
Cũng như vậy, rà soát pháp luật sơ bộ do VCCI thực hiện trong quá trình góp ý xây dựng Luật Doanh nghiệp 2014 cho thấy về nguyên tắc pháp luật Việt Nam không có sự phân biệt đối xử giữa DNNN và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Về mặt chính sách, Việt Nam cũng đang quyết tâm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa các DNNN, qua đó giảm dần số lượng DNNN cũng như tỷ trọng của nhóm DNNN trong nền kinh tế.
Trong cạnh tranh, Nghị quyết 19 của Chinh phủ năm 2014 và năm 2015 các nội dung liên quan tới DNNN đều nhấn mạnh tới việc đảm bảo DNNN hoạt động theo đúng cơ chế thị trường, tạo mọi điều kiện để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Nói cách khác, định hướng đàm phán về DNNN trong TPP gần như trùng khớp với định hướng cải cách khu vực DNNN của Việt Nam thời gian qua cũng như trong tương lai.