MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đằng sau con số xuất khẩu 8 tỉ đô la của khu vực FDI

Nếu tính cả xuất khẩu dầu thô thì khu vực FDI xuất siêu đến gần 1 tỉ đô la Mỹ.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quí 1-2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, tăng 29,3%, nhập khẩu khoảng 7,1 tỉ đô la Mỹ. Vậy khu vực FDI đang xuất siêu. Phải chăng đây là một thành tích?

Nhìn từ các con số

Trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau suy giảm, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu. Quí 1-2010, kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô đạt gần 6,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 40%, nhập khẩu tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập tăng nhanh hơn xuất cho thấy, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động vẫn lo làm ăn và xuất khẩu lâu dài ở Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt vì năm ngoái cả xuất, nhập khẩu đều giảm so với năm 2008. Nhưng nếu không tính xuất khẩu dầu thô thì các doanh nghiệp FDI vẫn nhập siêu hơn 400 triệu đô la Mỹ trong quí 1-2010.

Tình hình này cũng đã xảy ra vào năm 2009. Xuất khẩu không kể dầu thô là 23,64 tỉ đô la và nhập khẩu 24,87 tỉ đô la, tức là nhập siêu hơn 1,2 tỉ đô la. Còn năm 2008, tình hình cũng tương tự, và con số nhập siêu là hơn 4 tỉ đô la (không kể dầu thô).

Mức nhập siêu có vẻ được giảm bớt, nhưng thực ra là do sản xuất FDI bị đình trệ, giảm dần cả xuất và nhập trong hai năm 2008/2009. Nên nay có chút ít khôi phục trong quí 1 là đáng mừng. Cần duy trì đà khôi phục này và tạo thế tăng trưởng hơn nữa của các doanh nghiệp FDI, cho tương xứng với việc thực hiện FDI ngày càng lớn.

Nếu tính cả xuất khẩu dầu thô thì khu vực FDI xuất siêu đến gần 1 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, xuất siêu nhờ xuất khẩu dầu thô đến gần 1,4 tỉ đô la Mỹ, tức là dựa vào khai thác xuất khẩu tài nguyên thô, một hướng không thể phát triển mãi và cũng không nên khuyến khích.

Hơn nữa, nếu nhìn lại hai năm 2008 và 2009, con số xuất siêu cả năm của khu vực FDI cũng gấp 5-6 lần con số của quí 1-2010. Vậy thì, con số xuất siêu của quí 1 cũng không có gì bất thường.

Đi vào bản chất

Về cơ bản, sản phẩm của khu vực FDI thường được chia làm ba loại. Thứ nhất là sản phẩm trung gian. Thứ hai là sản phẩm cuối cùng nhưng được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài theo đơn đặt hàng của công ty mẹ. Thứ ba là các sản phẩm được tiêu thụ trong nước.

Với loại sản phẩm thứ nhất, các doanh nghiệp FDI thực chất là một công xưởng với nguyên vật liệu chính được nhập khẩu, toàn bộ giá trị của sản phẩm được đưa ra nước ngoài (xuất khẩu) để đi qua các công đoạn tiếp theo, từ đó mới hình thành giá bán.

Như vậy, về thực chất toàn bộ hoạt động của loại doanh nghiệp này hầu như không hạch toán lợi nhuận. Phía Việt Nam không những không thu được đồng thuế giá trị gia tăng nào mà ngược lại các doanh nghiệp FDI được hoàn thuế; thuế thu nhập doanh nghiệp cũng coi như không có (vì không có lợi nhuận)(2) .

Với loại sản phẩm thứ hai, doanh nghiệp FDI tuy có chút lãi (không đáng kể) nhưng đó là một quy trình gần như khép kín. Về hạch toán lợi nhuận phía Việt Nam không được phép biết hoặc tham gia gì (vì vốn của chủ doanh nghiệp nước ngoài), như vậy việc xuất khẩu được bao nhiêu cũng chẳng liên quan gì đến mình.

Với loại sản phẩm thứ ba, tuy được tiêu thụ trong nước, nhưng hầu hết các nguyên vật liệu chính đều được nhập khẩu từ bên ngoài.

Chẳng hạn như bột ngọt (gần như 100% nguyên vật liệu là nhập khẩu), da cứng là 83%; giày thể thao là 76%; sứ vệ sinh là 74%; sơn hóa học 68,3%; bột giặt 56%...

Do quá trình hạch toán lợi nhuận khép kín của các doanh nghiệp FDI, nên dù là tiêu thụ trong nước cũng được xem thực chất là nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI thường “gửi giá” vào vật tư, máy móc nhập khẩu, làm tăng chi phí trung gian dẫn đến lỗ. Việc này làm ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ trong nước.

Vậy Việt Nam kỳ vọng và được gì từ khu vực FDI?

Có thể đã có không ít các doanh nghiệp FDI đã tận dụng yếu tố lao động rẻ trong các ngành công nghiệp gia công với công nghệ không cao, thậm chí với máy móc không phải thật hiện đại, để làm hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp này không chỉ thu lãi trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, mà còn làm cho các công ty ở chính quốc lãi thêm khi tính cao giá công thiết kế, bản quyền, hậu cần hay tư vấn...

Cuối cùng, lợi nhuận thực đã “chảy” ra nước ngoài, tức cũng làm cho GDP thực phần nào bị “che khuất” và hơn thế nữa là làm cho GNI giảm bớt khi các doanh nghiệp FDI kê giá nguyên liệu phụ tùng nhập khẩu cao hơn (một hình thức chuyển giá). Do đó, có đến 50% doanh nghiệp FDI thông báo lỗ. Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn ở TPHCM.

Ngoài ra qua một số khảo sát của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy một số doanh nghiệp FDI như “một góc trời riêng”, toàn bộ các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ và khâu hạch toán người Việt nam không được biết và hầu như “không liên quan gì”. Như vậy việc tăng trưởng của các doanh nghiệp loại này (khá nhiều) thường không có sự lan tỏa, kích thích gì đến nền kinh tế trong nước.

Về lao động, khu vực này cũng chẳng thu hút được là bao. Hình 1 thể hiện lao động của khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI qua các năm.


Về hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng

Về hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng: Theo nghiên cứu (3) cho thấy trong 10 năm (1999-2009), ICOR của khu vực nhà nước, tư nhân và FDI lần lượt là: 7,76; 3,54; và 7,91. Nhìn ra thế giới, ICOR trung bình của nhóm tăng trưởng cao chỉ có 3,6.

Khối FDI có chỉ số ICOR cao nhất và điều đó chứng tỏ hiệu quả của họ là thấp nhất. Còn về khía cạnh chuyển giao công nghệ, giai đoạn 2004-2009, hệ số TFP của các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là: 8,6; 3,1 và -17,6.

Theo nghiên cứu này, hệ số TFP của khối nhà nước cao nhất cho thấy mặc dù vốn đầu tư rót vào khu vực này nhiều (đầu tư không hiệu quả) nhưng sự chuyển giao công nghệ là có thật. Trong khi ở khối FDI thì chỉ số này lại âm (-17,6).

Nghiên cứu cho rằng: “Như thế nghĩa là ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ vào các yếu tố khác, ví dụ lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ. Trên thực tế, khảo sát ở nhiều doanh nghiệp FDI cho thấy máy móc, công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam đều cũ kỹ hoặc đã khấu hao hết”.

Theo Bùi Trinh
TBKTSG

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên