MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu ấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng!

“Trong cải cách sẽ chú ý đến việc những thủ tục mà lâu nay đang tồn tại, bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết thì kiên quyết phải chấm dứt. Khi ban hành văn bản quy phạm liên quan thì hạn chế tối đa phát sinh thủ tục mới".

Giảm chi phí cho doanh nghiệp là vấn đề sẽ được Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng quan tâm trong năm 2016 để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là người trực tiếp đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà VIệt Nam tham gia. Do vậy, ông hiểu rằng để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên thị trường thì điều quan trọng nhất là nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa.

Sớm làm tốt công tác tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính

Với nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu ngành công thương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập ký kết kinh tế và quốc tế, thì việc làm thế nào để triển khai tốt hiệp định đã ký kết, tận dụng ưu đãi và khắc phục hạn chế, ứng phó những khó khăn là vấn đề được Bộ Công Thương đặt ra.

Theo đó, Bộ sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính mà tập trung là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nhân dân đối với các lĩnh vực liên quan công nghiệp, xuất khẩu, thị trường và hội nhập.

“Việc đầu tiên là tổ chức công tác thông tin tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, những người là đối tượng thực hiện các cam kết đó. Mục đích là làm cho mọi người hiểu rõ và đầy đủ hơn nội dung của các hiệp định, từ đó tận dụng ưu đãi mà hiệp định mang lại và chủ động ứng phó với khó khăn thách thức” - Bộ trưởng khẳng định.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ về pháp luật. Theo Bộ trưởng, Hiệp định thương mại mới đặt ra yêu cầu là phải tiếp tục ban hành và sửa đổi bổ sung những luật cũ, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp hội nhập.

Bộ Công Thương phải đi đầu trong thực hiện mục tiêu các hiệp định

Bộ trưởng nói: “Ngành Công Thương phải là ngành đi đầu trong thực hiện nội dung và mục tiêu của các hiệp định thương mại tự do. Phối hợp chặt chẽ ngành và địa phương, tìm mọi biện pháp để khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sân chơi FTA”.

Đặt trong bối cảnh hiệp định thương mại tự do mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, mà trước mắt là hoạt động xuất khẩu, thì việc tuyên truyền thông tin và cải cách thể chế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng.

Với mục tiêu mà Quốc hội đặt ra cho ngành là tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%, Bộ trưởng cho rằng để đạt mục tiêu thì việc đầu tiên là phải thực thi tốt các hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt các ưu đãi mà hiệp định mang lại.

“Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Thủ tục hải quan, cấp phép phải được thông thoáng và dễ dàng hơn để qua đó doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn so với nước ngoài” – Bộ trưởng nói.

Việc mở rộng đàm phán, ký kết các hiệp định đã mở ra nhiều thị trường mới để hàng xuất khẩu tiếp cận thuận lợi hơn. Do đó, Bộ trưởng cho rằng cần tận dụng cơ hội này để tích cực tìm kiếm các thị trường mới bên cạnh các thị trường truyền thống.

Tuy nhiên, để việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mang lại hiệu quả, tận dụng cơ hội của các FTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh đến việc cần phải thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các bộ ngành có liên quan đến hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.

Cụ thể, ngân hàng cần tạo thuân lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng, cơ chế tỷ giá làm sao cho linh hoạt và phù hợp, khuyến khích xuất khẩu. Thủ tục liên quan đến hải quan và thuế, cấp phép cần được thông thoáng hơn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đặc biệt là thực thi nghiêm túc các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do.

Hạn chế tối đa phát sinh thủ tục mới gây phiền hà cho doanh nghiệp

Bộ trưởng cho biết trong phạm vi, trách nhiệm của ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2016. Mục tiêu là làm thế nào để trong năm 2016 triển khai tốt hơn và triệt để hơn yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

“Trong cải cách sẽ chú ý đến việc những thủ tục mà lâu nay đang tồn tại, bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết thì kiên quyết phải chấm dứt. Khi ban hành văn bản quy phạm liên quan thì hạn chế tối đa phát sinh thủ tục mới. Còn thủ tục nào cần thiết ban hành thì phải thật đơn giản, thuận lợi cho tổ chức và công dân” – Bộ trưởng cho biết.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường hoạt động dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và 4. Tức là mọi giao dịch sẽ tiến tới thực hiện qua mạng để vừa nhanh, thuận lợi và vừa góp phần hạn chế tiêu cực nảy sinh trong quá trình cấp phép và giải quyết cho tổ chức và công dân.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên