MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư 128 tỷ đồng xây dựng hai tuyến “buýt” đường sông

UBND TP HCM vừa phê duyệt dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn, theo hình thức đối tác công tư Hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh).

Dự án vận tải đường sông vừa được TPHCM phê duyệt nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng đường thủy trong khu vực đô thị, hỗ trợ hệ thống giao thông đường bộ của TP vốn đã quá tải

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng đường thủy trong khu vực đô thị, hỗ trợ hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải; góp phần phát triển hoạt động du lịch đường thủy; xây dựng diện mạo mới cho bộ mặt, cảnh quan đô thị. Trong tương lai dự án sẽ mở ra hướng phát triển một phương thức vận chuyển hành khách mới bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố.

Theo phương án đã được UBND TP HCM phê duyệt, dự án vận tải đường sông gồm hai tuyến: Tuyến số 1 là Bạch Đằng – Linh Đông dài khoảng 10,8 km, đi qua nhiều khu dân cư đông đúc và khu du lịch.

Lộ trình tuyến: Từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông-Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới. 7 bến đón trả hành khách tại khu vực bến Bạch Đằng-quận 1, khu vực Sài Gòn Pearl-quận Bình Thạnh, khu vực phường Bình An-quận 2, khu vực Thảo Điền-quận 2, khu vực Tầm Vu-quận Bình Thạnh, khu vực Thanh Đa-quận Bình Thạnh, khu vực Bình Triệu-quận Thủ Đức, khu vực Hiệp Bình Chánh-quận Thủ Đức và khu vực Linh Đông-quận Thủ Đức.

Tuyến số 2 là Bạch Đằng – Lò Gốm dài 10,3 km, đi qua khu vực nội thị với mật độ dân cư dọc tuyến rất cao.

Lộ trình tuyến: Từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, Quận 6 và ngược lại, với 7 bến đón trả hành khách tại khu vực bến Bạch Đằng-quận 1, khu vực Nguyễn Thái Bình, Calmette-quận 1, khu vực Khánh Hội-quận 4, khu vực Cầu Chữ Y, Chợ Hòa Bình, cầu Nguyễn Tri Phương-quận 5, khu vực Bình Đông, cầu Chà Và-quận 8, khu vực Bình Tây-quận 6, khu vực chùa Long Hoa-quận 8 và khu vực Lò Gốm-quận 6.

Khu bến trung tâm của 2 tuyến buýt đường sông” này sẽ được xây dựng ở quận Thủ Đức với diện tích khoảng 3ha gồm các hạng mục: Bến đón trả khách, Khu vận hành bảo dưỡng và neo đậu tập kết tàu về đêm; Khu nhà điều hành và các công trình khác phục vụ hoạt động, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.

Ngoài ra, các bến khác có diện tích khoảng 50m2 gồm khu đón trả khách, kiốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh… Riêng bến Bạch Đằng sẽ do thành phố quy hoạch và xây dựng.

Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Về phương án thanh toán Hợp đồng BOO dự kiến, UBND TP HCM cho biết nguồn thu của dự án chủ yếu từ hoạt động bán vé. Nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn thu đủ bù đắp chi phí hoạt động. Ngân sách thành phố sẽ không cấp bù nếu doanh thu không hiệu quả.

Trong giai đoạn từ nay đến 2020, dự kiến nhà đầu tư sẽ đầu tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ. Giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn phù hợp với nhu cầu vận hành trên tuyến.

Trước đó, Công ty Thường Nhật (Daily Express) – đơn vị được Thành phố chấp thuận lập đề xuất đầu tư dự án đã có văn bản gửi UBND TP với tổng số vốn đầu tư cho cả hai tuyến buýt đường sông dự kiến tối thiểu khoảng 58 tỉ đồng, trong đó Công ty Thường Nhật đầu tư tàu thủy và bến đa chức năng với tổng vốn 46 tỉ đồng, phần còn lại do Thành phố đầu tư.

Trong giai đoạn 1, đơn vị sẽ đầu tư loại tàu 80 ghế cho cả hai tuyến. Mỗi tuyến sẽ có 4 chiếc (kinh phí 3,5 tỉ đồng/chiếc). Cứ 15 phút sẽ có 1 chuyến khởi hành vào giờ cao điểm (từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ) và dãn cách ra lúc thấp điểm. Sau khi tính toán chi phí, giá vé đề xuất là 15.000 đồng/vé trọn lộ trình.

Công ty Thường Nhật cho biết, do giá vé “buýt” đường sông cao hơn xe buýt 4-5 lần nên đối tượng hành khách mà “buýt” đường sông nhắm tới là tầng lớp có thu nhập trung bình khá, chủ yếu là những công ty có văn phòng làm việc tại trung tâm Thành phố.

Theo Thu Hiền

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên