MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh hỗ trợ DN trong hội nhập

Trong năm 2016, để giúp các doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh thực thi nhiều chính sách hỗ trợ DN hơn nữa.

Đó là ý kiến mà các chuyên gia kinh tế thống nhất tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam - Triển vọng 2016” diễn ra ngày 11/11 tại TPHCM.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng sự kỳ vọng vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới là rất lớn, cơ hội cũng rất nhiều, tuy nhiên, nếu Việt Nam không thúc đẩy cải cách thể chế thì cơ hội đó vẫn thuộc về DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam chứ không phải DN bản địa.

Theo ông Cung, thị trường là tự do và Nhà nước phải thay đổi để phù hợp với luật chơi bên ngoài. Chính vì vậy, cần phải tăng tốc độ cải cách và quy mô cải cách, loại bỏ tư duy vẫn thiên về “quản” và “kiểm” sang thúc đẩy và hỗ trợ thì DN mới tận dụng được các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho rằng, nghịch lý lớn nhất trong nền kinh tế hiện nay là lạm phát thấp nhưng lãi suất giảm không đáng kể, thậm chí còn cao hơn nhiều so với chỉ số lạm phát. Điều này vô hình trung làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN), đồng thời giảm tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Còn ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cần cải thiện môi trường đầu tư qua việc cắt giảm chi phí hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Đồng thời, thúc đẩy đầu tư vào các ngành có lợi thế trong TPP như xơ sợi, các ngành sử dụng nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các ngành đáp ứng đầu vào cho nhiều ngành sản xuất như hóa dầu, sắt thép và các kim loại khác.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, các DN vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mới chỉ có khoảng trên 30% DN vay được vốn từ ngân hàng, 70% DN lại có công nghệ máy móc thiết bị lạc hậu (khảo sát từ JETRO cuối năm 2014). Do vậy, Chính phủ cần tăng cường công tác hỗ trợ DN qua việc áp dụng chính sách cho vay với lãi suất thấp, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đánh giá về mặt bằng lãi suất hiện nay, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm xuống còn khoảng 8-10%/năm là phù hợp với tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vay trung và dài hạn đã bị đóng khung bởi những hợp đồng cũ và nó không thay đổi. Ông Mười kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có định hướng hỗ trợ DN trong các hợp đồng vay trung và dài hạn, điều chỉnh lãi suất cũ trong hợp đồng theo mặt bằng lãi suất hiện nay.

Đáp lại, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, năm 2016, về mục tiêu chính sách tiền tệ, NHNN vẫn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN. Tín dụng sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên cho các DNVVN, các lĩnh vực như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên…

Theo Lê Anh

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên