Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc yêu cầu trong thời gian tới đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ và kinh tế biên mậu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
- 24-11-2015Dồn dập dự án bất động sản nghìn tỷ đầu tư vào vùng Tây Bắc
- 07-11-2015Khánh thành nhà máy phân bón lớn nhất khu vực Tây Bắc
- 30-06-2015Vì sao Tây Bắc nghèo nhất nhưng đắt đỏ nhất cả nước?
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả vùng và đối với từng địa phương, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư vào Tây Bắc. Thực hiện liên kết sản xuất, chú trọng liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn trong vùng.
Đồng thời quan tâm nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thu hút nguồn lực, hỗ trợ để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc để bảo đảm vùng Tây Bắc phát triển đồng bộ, toàn diện, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, lưu ý tập trung đầu tư hơn nguồn lực cho vùng Tây Bắc, nhất là những nơi có tỷ lệ nghèo cao, có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trong đó có 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Đối với các địa phương vùng Tây Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách mới của Chính phủ, ưu tiên bố trí ngân sách, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện. Trong đó xác định mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mình gắn với phát triển bền vững sau năm 2015 vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm bảo đảm phù hợp với Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015.
Đồng thời tiếp tục vận động, tuyên truyền để hộ cận nghèo chủ động tham gia bảo hiểm y tế; chủ động các nguồn lực của địa phương, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm phần còn lại (30%, ngoài phân sách nhà nước hỗ trợ 70%) để các hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, góp phần thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương vùng Tây Bắc cần có giải pháp cụ thể để bố trí, huy động thêm nguồn lực, thực hiện lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án của địa phương mình để có nguồn lực lớn hơn cho giảm nghèo bền vững.