Để có nền nông nghiệp 100 tỷ đô la
Trăn trở, ưu tư của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về những bế tắc trong nông nghiệp cần phải thay đổi, trước hết ngay chính từ tư duy.Ông nói:“An ninh lương thực giống như lá bùa, khiến người ta không dám thay đổi”.
Nông nghiệp bí chỗ nào?
Thưa ông, đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chỉ ra những định hướng phát triển khá chi tiết. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, chiến lược dài hơi cho nông nghiệp Việt Namcó vẻvẫn khiến nhiều người băn khoăn?
Về cơ bản, phải khẳng định cả bốn ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản mấy năm nay đều chững lại. Theo tôi có mấy căn nguyên cơ bản dẫn tới tình trạng này.
Thứ nhất, là thị trường, mà tiêu biểu là vấn đề lúa gạo. Lâu nay chúng ta đặt vấn đề an ninh lương thực, thực tế xét phạm vi cả thế giới thì nhu cầu tiêu thụ gạo những năm qua có tăng, nhưng xét về cá thể, đặc biệt ngoài khu vực nghèo đói thì ngày càng giảm.
Nhu cầu gạo con người ngày càng ăn ít đi, chứ không thể mãi gia tăng. Dân Thái Lan bây giờ chỉ tiêu thụ tầm 100kg gạo/người/năm, Việt Nam rồi cũng sẽ tới mức đó. Như thế nếu quy ra dân số VN tương lai khoảng 100 triệu dân, cũng chỉ cần tầm 10 triệu tấn gạo, cứ cho tương đương 20 triệu tấn thóc là đủ.
Trong khi đó, nước NK gạo nhiều rồi sẽ tự túc dần, còn các nước đói thì không có tiền mà mua gạo. Tóm lại, nếu không thay đổi thì kiểu gì chúng ta vẫn trở về cảnh thừa gạo.
Thứ hai, SX chúng ta chững lại do nhiều nguồn lực, trong đó chủ yếu nguồn lực đất đai đã cạn. Cao su chỉ phát triển chừng ấy diện tích là hết, rồi cũng phải qua Lào, Campuchia... thuê đất trồng. Cà phê đến nay 600 nghìn ha, cũng đã hết chỗ, còn đất đâu nữa mà trồng?
Rồi cây điều, tiêu, chè... cũng cơ bản hết tiềm lực đất đai, rồi sẽ đi xuống. Trong khi đó, nhiều diện tích cây trồng sau năm 1975 đến nay đã hết chu kỳ khai thác, việc tái canh chiến lược vẫn không đầy đủ...
Thứ ba, KHKT là căn cứ đầu tiên để hoạch định chính sách và chiến lược phát triển, nhưng KHKT nông nghiệp chúng ta quá yếu, không bắt kịp và đón đầu được sự phát triển của nền nông nghiệp trước những thử thách. Chúng ta rối và thiếu định hướng phần lớn là do không có khoa học định hướng trước.
Tiềm lực tự nhiên cho nông nghiệp ở VN là “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Trong đó “nhất phần điền” như ĐBSH, ĐBSCL, Tây Nguyên làm cái gì cũng dễ thì bây giờ đã khai thác hết. Chúng ta buộc phải phát triển tới “tam sơn, tứ hải”, nhưng do khoa học không định hướng được nên còn hạn chế.
“Tam sơn” của chúng ta (trừ Tây Nguyên), còn mười mấy triệu ha, chiếm trên 20% dân số khắp Bắc tới Nam Trung bộ, đến nay đều bí về phương hướng. Lúc nào Đảng, Nhà nước cũng phải đặt câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả? Trong những khuyết tật về khoa học nông nghiệp của VN thì khuyết tật lớn nhất đang nằm ở miền núi.
Tôi khẳng định, SXNN chúng ta trì trệ trong mấy năm gần đây là lỗi chính do khoa học, chứ không phải do đầu tư. Khoa học nói cái gì hiệu quả, chẳng cần tới Nhà nước, dân họ đầu tư ngay.
Khó từ chính lối tư duy
Ông đề cập tới xu hướng tất yếu “kiểu gì rồi cũng thừa gạo”. Vậy việc khó khăn trong XK gạo hiện nay, có phải do việc dự báo xu hướng sản xuất và tiêu dùng lúa gạo thế giới chúng ta kém?
Thực ra việc dự báo chúng ta có làm, nhu cầu lúa gạo thế giới ra sao chúng ta biết rõ chứ không phải không biết. Nhưng cái cốt lõi khiến đến nay ta phải gặp cảnh khó khăn ấy chủ yếu là do tư duy.
Lâu nay chúng ta đặt vấn đề an ninh lương thực giống như mộtlá bùa, khiến người ta không thể, hoặc không dám suy nghĩ khác đi, không dám thay đổi. Ngay cả vấn đề an ninh lương thực, tôi nghĩ chúng ta cũng đã hiểu sai, hiểu hẹp.
Thế giới họ hiểu là Food Security phải là an ninh lương thực – thực phẩm, nghĩa là phải có cả trứng, sữa, khoai, đường, hoa quả nữa..., chứ đâu chỉ có lương thực, đâu chỉ có an ninh lương thực là gạo?
Thành thử lúa gạo VN lâu nay chịu tất cả sức ép đè lên nó, khiến những nhà lãnh đạo không dám thay đổi. Chúng ta bị trói vào tư duy ấy quá lâu, chứ không phải chúng ta không biết dự báo xu hướng tiêu dùng lúa gạo.
Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến các địa phương về việc chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị hơn, trong đó chú trọng vào cây nguyên liệu TĂCN như ngô, đậu tương... Quan điểm của ông về định hướng này thế nào?
Phải khẳng định tiềm lực SX lúa gạo chúng ta còn lớn. Tuy nhiên, nông dân lại không muốn làm, căn bản do thu nhập quá thấp. Lúa năng suất có cao tới 10 – 12 tấn/ha đi chăng thì cũng chỉ có 50 – 60 triệu đồng/ha, mà toàn là đất bờ xôi ruộng mật chứ không phải là xấu.
Công bằng mà nói là không xứng đáng với công sức của dân, trong hoàn cảnh mặt bằng giá mọi thứ đã quá cao như hiện nay.
Về diện tích lúa, theo tôi tương lai chỉ cần giữ để đạt 20 triệu tấn lúa là quá đủ cho an ninh lương thực rồi. Còn lại tùy vào các địa phương mà chuyển đổi linh hoạt, có thể là ngô, đậu tương, chăn nuôi hay thủy sản...
Hoặc vẫn có thể giữ lúa ở những vùng có lợi thế, nhưng nếu giữ thì phải có chiến lược phục vụ chuyển sang chế biến TĂCN. Lúa Q5 ở phía Bắc, IR50404 ở ĐBSCL hoàn toàn có thể giữ lại để làm nguyên liệu cho TĂCN.
Nhưng làm thế thì cơ cấu ngành chăn nuôi lại phải thay đổi theo để phù hợp. Chẳng hạn chúng ta có vịt, gà... hoàn toàn có thể sử dụng lúa, tại sao không sử dụng?