Để EVN tự định giá điện là chưa hợp lý
Hiện nay EVN đang độc quyền ở cả ba khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện. EVN phải chứng minh lỗ mới được dùng quỹ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 69 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ ngày 10-1-2014, khi các thông số đầu vào cấu thành giá điện bình quân cơ sở cao hơn giá bán điện bình quân bán lẻ hiện hành từ 7% đến 10% (trước đây là 5%), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện tối thiểu là sáu tháng so với ba tháng theo quy định trước đây.
Còn độc quyền thì không cho tự định giá
Theo quy định mới, trường hợp tăng từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, EVN sẽ phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Sau khi tổng hợp ý kiến, liên bộ sẽ trình Thủ tướng xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, đối với trường hợp giảm giá, Quyết định 69 vẫn chưa quy định chi tiết các mức điều chỉnh.
Theo đó, quyết định chỉ nêu: Trường hợp các thông số đầu vào được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng EVN đang ở vị trí độc quyền ở ba khâu phát điện, truyền tải, phân phối thì không thể áp dụng hình thức giao cho doanh nghiệp (DN)tự định giá. Về hình thức, cơ chế định giá này giống như mặt hàng xăng nhưng khác ở chỗ xăng dầu là độc quyền nhóm, còn mặt hàng điện chỉ mỗi EVN. Do đó, việc giao cho EVN tự quyết về giá là điều chưa hợp lý và trái với Luật Giá.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, EVN đang ở vị trí độc quyền nên không thể áp dụng hình thức giao cho DN tự định giá. Ảnh: HTD
Theo ông Long, mặc dù điều chỉnh trong biên độ 7%-10% nhìn về con số thì không cao nhưng tác động gián tiếp của giá điện sẽ làm cho chi phí đầu vào các ngành khác tăng lên rất nhiều. Chi phí đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bán đến tay người tiêu dùng. “Việc tăng giá bán điện chủ yếu do EVN xây dựng, trình Bộ Công Thương thẩm định.
Bộ Công Thương trao quyền cho EVN tự tính toán yếu tố đầu vào để làm căn cứ điều chỉnh giá bán điện càng khiến cho tập đoàn này tăng cấp độ độc quyền. Chi phí đầu vào do EVN đưa ra, công bố đều mang tính áp đặt một chiều” - ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng ngành điện vẫn độc quyền nên việc điều chỉnh tăng giá kiểu gì người dân và DN cũng phải chấp nhận. Vấn đề cần đặt ra là giám sát việc tăng giá thế nào, công khai minh bạch cho người dân biết. “Một điều đáng nói, các thông số để tăng giá đưa ra rất cụ thể nhưng khi đặt ra vấn đề giảm giá lại không đưa ra thông số nào để làm căn cứ tính toán. Không biết bao giờ ngành điện mới sẵn sàng giảm giá?” - ông Doanh nêu quan điểm.
EVN phải chứng minh lỗ mới được dùng quỹ
Mới đây, Thủ tướng cũng đã phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013-2015. Trong đó, giá bán lẻ điện bình quân sẽ từ 1.437 đồng đến 1.835 đồng/kWh, mức tăng tối đa gần 22%. Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh. |
Bởi mục đích của quỹ này là giải quyết đối với các mặt hàng có rủi ro về giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, theo ông Long, cái chính là cơ chế vận hành quỹ ra sao để bảo đảm công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt phải làm sao để nguồn quỹ bình ổn sinh lời, không thể để nó nằm yên một chỗ.
Đồng quan điểm này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng thay vì quỹ nằm ở DN như với xăng dầu thì đối với điện, Bộ Tài chính nắm khoản quỹ này. Theo đó, nguồn quỹ sẽ được hạch toán vào giá thành, không trích từ giá bán như xăng dầu. Việc đưa quỹ vào giá thành nhằm chống lỗ cho EVN và bù đắp cho người nghèo.
Trong trường hợp giá thành cao hơn giá bán, EVN làm sao tính toán cân bằng giá thành, EVN phải chứng minh được giá thành cao hơn giá bán thì mới được sử dụng quỹ. Việc tính toán này sẽ được Bộ Tài chính - Công Thương giám sát, quản lý, hằng năm kiểm toán sẽ thanh tra việc sử dụng quỹ. “Quỹ sử dụng đúng hay không là do các cơ quan “tai mắt” của Chính phủ giám sát!” - ông Ngãi nói.
Theo Trà Phương