Để "lật ngược thế cờ", Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp
Kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động...
- 27-08-2015Diễn đàn Kinh tế mùa Thu: Nông nghiệp có “cửa” với Nhật Bản trong TPP?
- 27-08-2015Chính thức khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015
- 26-08-2015Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2015: Nóng hội nhập kinh tế quốc tế
Trong tham luận gửi Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm CLB Các nhà Kinh tế (VEC) đã đưa ra những nhận định về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời đề xuất một số giải pháp để Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững.
Làm gì để phá “điểm nghẽn”?
Theo ông Thành, tư duy kinh tế dựa vào phát triển theo chiều rộng, dựa trên thâm dụng vốn (đầu tư bằng tăng trưởng tín dụng) bất kể ngắn hạn hoặc dài hạn; đầu tư dựa trên sử dụng các doanh nghiệp nhà nước làm chủ lực… không còn phù hợp trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Thành nêu ra hàng loạt những chỉ số cho thấy sự "không vững chắc" của nền kinh tế như bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh, tổng cầu tăng chậm, nợ xấu còn cao, xử lý chậm, thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tỷ trọng xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp...
"Tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách của Chính phủ hiện đang ở mức 14,2%. Nhưng nếu tính cả phần vay đáo nợ, con số này hiện đang ở mức 26,2% GDP. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar…" - ông Thành nói.
Ông Thành gọi đây là những “điểm nghẽn” của nền kinh tế; mà cần phải phá vỡ điểm nghẽn này để phát triển. Từ việc phá vỡ “điểm nghẽn” tư duy chiến lược, mọi việc kế hoạch, thực hiện sẽ thay đổi rất lớn.
Theo ông Thành, để ưu tiên phát triển các thành phần kinh tế khác, Nhà nước sẽ tập trung triệt để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang chiếm gần 40% vốn sở hữu của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp hoạt động (do cơ chế) không năng động và hiệu quả thấp nên việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam là nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thô được xếp hạng cao trên thế giới như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, cao su, thủy sản nên việc đẩy mạnh công nghiệp hóa chế biến để tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.
Cũng theo ông Thành, du lịch là ngành công nghiệp không khói. Việt Nam có rất nhiều lợi thế về cảnh quan, lịch sử, văn hóa và ẩm thực, nếu phát triển ngành này mà đạt được từ 15 – 20% GDP thì sẽ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thay vì Nhà nước đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý. Hiện nay đầu tư nước ngoài đang chiếm khoảng 20% vốn đầu tư của cả nước và trên 30% kim ngạch xuất khẩu. Còn 50% khu công nghiệp chưa được lấp đầy, nên những lợi thế để thu hút đầu tư Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp để “lật ngược thế cờ”
Ông Thành cho biết, công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam từ sau Đại hội Đảng lần VI năm 1986 đã tạo ra những chuyển động ấn tượng bước đầu trong tiến trình xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó nổi lên vấn đề “sức khỏe” doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 – 2015 cho thấy Việt Nam dù đã tiến 2 bậc nhưng vẫn chỉ xếp thứ 68 trong 148 nền kinh tế. Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cũng xếp Việt Nam ở vị trí 78 trên 189 nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng chỉ có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ này quá thấp so với dân số trên 90 triệu và cũng quá thấp so với các nước, vùng lãnh thổ như Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Israel, Nhật.
Thời gian qua, Việt Nam đã tập trung nỗ lực để có thể hội nhập kinh tế quốc tế và cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là với Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp năm 2014…
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động” – Chủ nhiệm VEC băn khoăn.
Theo đó, Chủ nhiệm VEC kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng, không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, ông Thành cũng nhấn mạnh vai trò của việc cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.
"Đây cũng chính là những giải pháp đã và đang được triển khai, nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn” – ông Thành kết luận.