MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Để Luật Đầu tư mới tác động tăng hiệu quả thu hút FDI

Đã có những thay đổi căn bản trong Luật Đầu tư mới về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là những ưu đãi về thuế… Tuy nhiên, những điểm mới này khi áp dụng liệu có tác động lớn trong việc tăng hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hay không là vấn đề cần phải thảo luận.

Đây là nội dung của hội thảo “Tác động của Luật đầu tư sửa đổi và chính sách thuế tới việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nội dung quan trọng mang tính đột phá của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này chính là thông tin về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Quy định thống nhất ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) có thể áp dụng chung cho tất cả các nhà đầu tư theo nguyên tắc liệt kê tại Danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật. Nhà đầu tư không bị hạn chế đầu tư kinh doanh nếu ngành, nghề không quy định tại Danh mục này.

Dự thảo cũng bãi bỏ quy trình thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) đối với nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với thời hạn tối đa 15 ngày thay vì 45 ngày như hiện nay. Nếu theo quy định cũ từ 3 quy trình: đăng ký cấp GCNĐT, thẩm tra cấp GCNĐT, cấp GCNĐT đối với dự án chấp thuận chủ trương đầu tư thì quy định mới còn 02 quy trình: cấp GCNĐKĐT và cấp GCNĐKĐT đối với dự án chấp thuận chủ trương đầu tư.

Một nội dung có thay đổi lớn trong Dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) lần này là ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. 

Đưa ra phản hồi của các DN FDI, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết: Qua khảo sát, hầu hết các nhà đầu tư đều muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bằng chứng là xu hướng gia tăng các dự án quy mô lớn của các tập đoàn lớn trên thế giới đến Việt Nam như: Samsung, LG…

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các nội dung sửa đổi liên quan đến cải cách thủ tục đầu tư; minh bạch hóa chính sách; chính sách liên quan đến mua bán, sáp nhập, hợp tác công tư… ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. 

Cần hoàn thiện và có văn bản hướng dẫn thực thi hiệu quả

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, ông Quách Ngọc Tuấn cho biết những quy định của Luật về vấn đề này còn tồn tại một số hạn chế như thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng quá rộng.

Bên cạnh đó, các quy định về hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam gặp nhiều vướng mắc do Luật không xác định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong doanh nghiệp và cũng không quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục thực hiện hoạt động này.

Dự thảo Luật chưa xác định rõ hình thức, lĩnh vực, điều kiện đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời chưa phân định những hoạt động đầu tư ở nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và những hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư. Các quy định về chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng chưa được quy định rõ ràng.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài băn khoăn về thực tế có một số điều không đưa được vào Luật. Như vậy có thể bị “lách” qua các văn bản hướng dẫn hay dẫn đến tình trạng một số Bộ, ngành ban hành Thông tư thiên về “lợi ích” của Bộ, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý nói chung. Hơn nữa, vẫn có tình trạng các văn bản hướng dẫn dưới Luật có tiến độ thực hiện chậm, nên Luật mới không sớm đi vào cuộc sống.

Đánh giá cao những cải cách quyết liệt, GS.TSKH Nguyễn Mại khẳng định, không chỉ nhà đầu tư ở Việt Nam, khoảng 1 tháng nay báo chí quốc tế như Italy, Đức… cho rằng Việt Nam đang có cải tiến rõ rệt về thể chế và môi trường đầu tư.

Điển hình như lần đầu tiên trái phiếu Chính phủ Việt Nam phát hành nhận được phản ứng tốt của giới đầu tư với mức lãi suất hợp lý. Tuy vậy, xây dựng thể chế là quan trọng nhưng thực thi thể chế còn quan trọng hơn. Trong đó có vấn đề cải thiện đội ngũ cán bộ công chức, giảm thiểu nhũng nhiễu, tăng cường hiệu quả quản lý đối với 15.000 doanh nghiệp FDI.

Về phía cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế khẳng định, những nội dung trong Luật được góp ý sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu. Những đề xuất liên quan đến thuế sẽ được đề cập và đưa vào dự thảo.

Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi dự thảo Luật, các Nghị định và cam kết sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện sớm. Lần này dự thảo Luật cũng sẽ có tầm nhìn dài hạn, sẽ không có tình trạng dự thảo Luật khi mới thông qua đã phải có sự thay đổi để phù hợp với bối cảnh thực tế.

>>>Điều chỉnh có lợi cho doanh nghiệp

Theo Anh Minh

huongtt

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên