MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN thi nhau tố Bộ Tài chính, Công thương không minh bạch

Xăng dầu đã gửi đơn “khiếu nại” lên Thủ tướng, “bật” Bộ Tài chính không minh bạch trong điều hành thuế khi thu 350 tỷ đồng của 7 doanh nghiệp xăng dầu.

Cuộc chiến đòi quyền lợi chưa kết thúc, mới đây các doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ lại tiếp tục dọa lách luật vì định mức hoa hồng do Bộ Tài chính đưa ra. Trước đó, Thép và Xi măng cũng đã tố Bộ Công thương không công bằng khi đứng về phía EVN áp mức giá cao hơn từ 2-16%.

Xăng dầu “bật” Bộ Tài chính không minh bạch

Hai lần liên tiếp, Hiệp hội xăng dầu (Vinpa) gửi đơn "khiếu nại" lên Thủ tướng cho rằng Bộ Tài chính đã hành xử không minh bạch trong điều hành thu thuế nhập khẩu, nhất mực đòi Bộ Tài chính phải trả lại tiền thuế được cho là bị "truy thu" oan.

Thực tế, tranh cãi quanh việc truy thu thuế của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã kéo dài cả năm nay. Mặc dù các doanh nghiệp xăng dầu chấp hành nộp thuế truy thu nhưng vẫn "kêu" lên các cơ quan chức năng.

Án thuế liên quan đến nghiệp vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng xăng dầu năm 2012 với tổng số tiền 350 tỷ đồng. Trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng…

Lãnh đạo Vinpa cho rằng, việc truy thu thuế của Bộ Tài chính khiến người dân hiểu lầm doanh nghiệp cố tình trốn thuế. Bên cạnh đó, quyết định truy thu của cơ quan quản lý đưa ra sau khi doanh nghiệp đã quyết toán xong các chỉ tiêu tài chính năm 2012 nên chi phí sẽ được "cộng dồn" sang năm 2013.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Vinpa nói: “Bộ Tài chính không đưa ra căn cứ pháp lý chứng minh cho quyết định truy thu thuế của mình là đúng với quy định của Nghị định 154 và Thông tư 194. Thông báo 17060 của Bộ Tài chính thể hiện cách hành xử trong điều hành thu thuế nhập khẩu không minh bạch”.

Chưa lâu sau khi ‘tố’ lên Thủ tướng đòi Bộ Tài chính trả lại khoản 350 tỷ đồng thuế bị truy thu oan, mới đây Hiệp hội xăng dầu Việt Nam lại tiếp tục phản đối Bộ này về việc khống chế thù lao hoa hồng đại lý và dọa sẽ lách luật.

Theo thông báo 308, những cây xăng bán lẻ cách xa kho xăng dầu trên 50km thì sẽ không bị khống chế thù lao hoa hồng. Nói cách khác, các cây xăng bán lẻ ở gần trong phạm vi 50km thì chỉ được chiết khấu tối đa 430 đồng, nằm ngoài phạm vi trên thì có thể được chiết khấu cao hơn, tự do thỏa thuận với đầu mối.

Một số thương nhân đầu mối cạnh tranh không lành mạnh, tìm cách tăng vượt trần thù lao cho đại lý để đẩy hàng, lôi kéo các khách hàng đại lý bán lẻ, tăng thị phần.

Ngành thép, xi măng “tố” Bộ Công thương không công bằng

Trước đó, tháng 7/2013, khi dự thảo lần ba về cơ cấu biểu giá bán điện được công bố, Bộ Công thương đã tách giá điện bán cho ngành thép và xi măng thành một loại riêng, bán với giá cao hơn các ngành sản xuất khác từ 2-16%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: "Thép và xi măng là 2 ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng 10,5%) và đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế.

Ngay lập tức các doanh nghiệp thép, xi măng nhảy dựng lên, tố Bộ Công thương không công bằng khi áp mức giá cao hơn đối với 2 ngành này.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép phản bác lại việc Bộ Công thương cho rằng Thép sử dụng công nghệ lạc hậu và chỉ ra những công nghệ lạc hậu ngành điện sử dụng.

Đại diện ngành xi măng, ông Thiện cho rằng: "Các DN nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Theo tôi, nghịch lý đó thì phải chấp nhận nhưng Hiệp hội Xi măng không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác".

Cuối cùng Bộ Công thương và EVN đã thua khi không thể áp biểu giá điện riêng cho thép, xi măng.

Theo Nguyên Thảo

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên