MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN xuất khẩu sang EU: Đồng tiền thanh toán trong hợp đồng XK hầu hết là USD

Trước mắt ảnh hưởng của đồng EUR lao dốc là chưa rõ ràng và ở mức thấp. Các doanh nghiệp có chiến lược tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường khác nhằm giảm thiểu rủi ro.

Nội dung nổi bật

- Hiện các DN hầu hết sử dụng đồng tiền thanh toán xuất khẩu sang EU là đồng USD

-Đồng EUR giảm giá chắc chắn có ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu ở nước bản địa EU do chi tiêu của người dân giảm

- Sản lượng đơn hàng có thể sẽ bị giảm, nên các nhà xuất khẩu Việt Nam đã có hướng để phát triển thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản...

- Dự báo giá bán hàng sẽ phải giảm để cạnh tranh.

- Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không riêng gì tỷ giá ngoại tệ.


Thị trường Châu Âu (EU) hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, đóng góp mức thặng dư thương mại lớn hàng năm. Tuy nhiên, đồng EUR đang lao dốc làm dấy lên lo ngại về hoạt động xuất khẩu sang các nước trong khối đồng tiền chung EUR sẽ gặp khó khăn vì chi tiêu của người dân bản địa giảm và các nhập khẩu sẽ giảm dự trữ hàng hóa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ân – Tổng giám đốc CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn – Garmex SaiGon (MCK: GMC) cho biết: Các hợp đồng GMC ký với khách hàng quy định đồng thanh toán là USD. Khách hàng của GMC bán hàng cả ở EU, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản…. trong đó thị trường EU là thị trường tiêu thụ lớn. Vì vậy, đồng EUR giảm giá chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nhà nhập khẩu hàng hóa của GMC. Tuy nhiên mức ảnh hưởng đến khách hàng của GMC đến đâu hiện vẫn chỉ nằm trong ước đoán.

Các nhà nhập khẩu bị ảnh hưởng dẫn đến 2 tác động: (i) Đơn hàng bị giảm – rõ ràng đơn hàng chung có giảm, sản lượng giảm khoảng 20% (bao gồm tác động mùa vụ); (ii) Sản lượng giảm, cạnh tranh cao hơn dẫn đến giá giảm 10%.

Quý I/2015 hoạt động xuất khẩu của GMC bị ảnh hưởng do mùa vụ (mùa thời trang S/S – Spring/Summer) và tác động giảm giá của đồng EUR và JPY. Nhưng đây cũng là thời gian làm giảm cường độ để công nhân viên và nhà máy của GMC “nghỉ ngơi”.

Từ cuối quý II đến đầu quý IV là mùa thời trang chính, GMC đang quá tải đơn hàng.

Ông Nguyễn Ân cho biết, năm 2014, thị trường EU đóng góp đến hơn 50% doanh thu; Hoa Kỳ đóng góp khoảng 40%, tăng trưởng mạnh. Năm 2015 GMC điều chỉnh chiến lược tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ - chiếm hơn 50% doanh thu xuất khẩu và giảm tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường EU xuống dưới 40%.

Dệt may là ngành xuất khẩu sang EU có giá trị lớn thứ 3 sau mặt hàng Điện thoại (hàm lượng FDI chiếm gần 100%), Giày dép và đóng góp đến hơn 12% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU.

Cũng như GMC, đại diện CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (MCK: TTF) cho biết các hợp đồng xuất khẩu của TTF ký với đối tác EU đều quy định đồng thanh toán là USD và và được ký trước từ 3 -6 tháng. Nên trước mắt việc đồng EUR giảm giá chưa có ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của TTF. Khách hàng của TTF chưa đề cập đến vấn đề giảm giá đồng EUR.

Đại diện này cho biết, trong tương lai nếu khách hàng khu vực EU của TTF có điều chỉnh giá hay sản lượng do tác động giảm giá của đồng EUR thì TTF đánh giá mức độ ảnh hưởng đến công ty không cao. Do thị trường EU chiếm gần khoảng 30% giá trị xuất khẩu, TTF đang đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ (chiếm hơn 50 %) và thị trường Nhật ( chiếm hơn 20%, đang có mức tăng trưởng tốt).

Được biết, xuất khẩu và các sản phẩm gỗ sang EU đóng góp giá trị lớn thứ 6, khoảng 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Trong khi đó, với thủy sản, ông Dương Ngọc Minh chủ tịch HĐQT của CTCP Hùng Vương (MCK: HVG) cho biết các hợp đồng xuất khẩu của HVG và các thành viên (AGF…) ký kết với khách hàng nhập khẩu EU quy định đồng thanh toán là USD, nên mức độ ảnh hưởng tạm thời không lớn. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất con cá tra đang giảm cũng giúp cho HVG cạnh tranh tốt hơn về giá.

Ông Minh dự báo giá xuất khẩu cá tra sẽ giảm không chỉ cho thị trường EU mà cả ở những thị trường Hoa Kỳ,...

Thị trường EU chỉ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu xuất khẩu hàng của HVG đi sang các thị trường.

Thủy sản là ngành hàng xuất khẩu sang EU có giá trị lớn thứ 5, chiếm tỷ trọng 5% tổng giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này.

Thay lời kết, trao đổi với chúng tôi, về khả năng tác động tiêu cực của việc đồng EUR lao dốc lên hoạt động xuất khẩu, đại diện một ngân hàng nước ngoài – đứng đầu trong cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế cho rằng:

Xu hướng đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trong thời gian tới đã được nhiều chuyên gia dự đoán khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc và có nhiều dấu hiệu tích cực hơn dẫn đền những dự đoán về việc FED có khả năng tăng lãi suất trong năm nay hoặc đầu năm sau. Bên cạnh đó việc ECB và ngân hàng trung ương Nhật Bản đang theo đuổi chương trình nới lỏng định lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dẫn đến việc các đồng tiền như EUR hay JPY giảm tương đối so với đồng USD.

Khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác và nếu tỷ giá USD/VND ổn định không thay đổi nhiều thì trong chừng mực nào đó hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ  giảm sức cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác có đồng tiền giảm giá so với đồng USD.

Tuy nhiên, tổng thể năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như chủng loại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có bị cạnh tranh nhiều bởi các quốc giá khác, giá trị tăng thêm của Việt Nam trong những sản phẩm xuất khẩu, tỷ trọng nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu...


Thanh Giang

Ngọc Quỳnh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên