DNNN có được quyền quản lý, khai thác cảng biển?
Mô hình nào để đầu tư, khai thác hiệu quả cảng biển là vấn đề vẫn khiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn khi thảo luận về dự án Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) ngày 11/11.
- 05-11-2015TPP với kinh tế Việt Nam: Phát huy hệ thống cảng biển
- 30-10-2015Lượng tàu vào cảng Cái Mép tăng 40%
- 27-10-2015"Bỏ quên" 27 container rượu tại cảng
Theo dự thảo Bộ luật, “Ban Quản lý và khai thác cảng (BQL) là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) do Thủ tướng Chính phủ thành lập, được giao vùng đất, vùng nước cảng biển để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng”.
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH của Ủy ban Thường vụ QH cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên thành lập BQL, vì cho rằng không thể đem lại hiệu quả trong khai thác cảng biển.
Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là mô hình BQL là cần thiết để khắc phục những hạn chế trong việc đầu tư, khai thác manh mún, thiếu hiệu quả như tại một số cảng biển hiện nay; tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển; tạo bước đột phá để phát triển hàng hải ở nước ta.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn nước ta thì chỉ nên áp dụng mô hình này ở một số cảng biển theo quy định của Chính phủ. Do đó, đề nghị QH cho giữ quy định về BQL trong Bộ luật Hàng hải.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đồng tình với quy định về Ban quản lý và khai thác cảng biển, nhưng đại biểu này băn khoăn BQL này là loại hình DNNN nhưng không thấy được quy định hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và đề nghị làm rõ nội dung này.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng) cho rằng không nên dùng từ “Ban Quản lý và khai thác cảng” mà phải dùng từ “chính quyền cảng” - cụm từ được cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT đề xuất từ khi xây dựng dự án Bộ luật.
Ông Kiên nói: “Chúng ta quy định về tên gọi như thế này là chúng ta câu nệ chính quyền cảng và chính quyền địa phương. Chúng ta câu nệ Hiến pháp và chỉ sợ trùng mà chúng ta không nhìn vào bản chất và hiệu quả kinh tế của chính quyền cảng đem lại”.
Gọi là chính quyền cảng, nhưng nó không ảnh hưởng đến các cơ quan cảng vụ, cũng như công an, biên phòng ở trong khu vực cảng. Ở Thái Lan, họ tổ chức chính quyền cảng, hay gọi là Port Authority và người ta có quyền phân phối, điều hành tàu vào để đảm bảo dịch vụ của bốc dỡ cảng, ông Kiên tiếp tục bày tỏ.
Thái Lan quy định rõ, cảng Bangkok mỗi năm chỉ nhận 1 triệu TEU, nếu vượt thì phải phân bổ sang các cảng khác khu vực, ví dụ như cảng Laem Chabang được đầu tư xây dựng gần trùng với thời điểm chúng ta đầu tư cảng Cái Mép - Thị Vải, nhưng đến bây giờ họ trở thành 1 trong 10 cảng container có khả năng bốc xếp lớn nhất ở trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp cận ở góc độ khác về cơ quan quản lý và khai thác cảng, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng: “Thực chất đây là một loại định chế lưỡng tính. Tức là nó vừa hoạt động của cơ quan công quyền nhưng vừa là doanh nghiệp”.
Ông Lịch đề nghị Bộ luật phải chế định bản chất về lưỡng tính trong luật rõ ràng để hoạt động. Còn quy định là DNNN thì “dường như hơi vội vàng”.
“Tôi xin đề nghị cân nhắc có nên lập là DNNN không? Thông thường người ta lập định chế công tự quản để thực hiện chức năng lưỡng tính”, đại biểu kiến nghị.
Kết luận lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người điều hành phiên thảo luận đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu để làm rõ được bản chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác cảng, cũng như phân biệt giữa vấn đề quản lý nhà nước hay dịch vụ công.
Điều 91 của dự thảo Bộ luật quy định 13 nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý và khai thác cảng. Trong đó, xây dựng trình Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch phát triển tổng thể vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; phương án huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển; phương án tăng, giảm vốn điều lệ.
Đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch được phê duyệt; đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư khu hậu cần sau cảng tại vùng đất, vùng nước cảng biển được giao.
Ban hành các quy chế quản lý các hoạt động trong vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; tổ chức quản lý việc đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hậu cần sau cảng.
Cung cấp dịch vụ hoa tiêu, lai dắt, logistic và các dịch vụ liên quan khác trong khu vực vùng đất, vùng nước được giao; bảo dưỡng, duy tu và sửa chữa kết cấu hạ tầng cảng biển trong vùng đất, vùng nước cảng biển được giao,...