Đo tín nhiệm
Kỳ họp thứ 5, kỳ họp “giữa nhiệm kỳ” Quốc hội (QH) khóa XIII, khai mạc hôm nay (20-5) với nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.
Đây là lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những chức danh lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Đã có quyền bầu và phê chuẩn, QH tất nhiên có quyền miễn nhiệm chức danh lãnh đạo do mình bầu và phê chuẩn. Song thực tế, việc QH tiến hành miễn nhiệm hay bãi nhiệm các chức danh đã bầu, phê chuẩn rất hãn hữu, nhất là việc bãi nhiệm đối với các trường hợp tín nhiệm thấp hay không hoàn thành nhiệm vụ.
Dù luật có quy định cụ thể về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu và phê chuẩn như phải có ít nhất 20% tổng số đại biểu hoặc Hội đồng Dân tộc hay một ủy ban của QH đề nghị. Thế nhưng, từ trước tới nay, QH chưa bỏ phiếu tín nhiệm trường hợp nào, dù đã có những đại biểu QH ngỏ ý.
Không dễ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh nên đã dẫn tới không ít những bức xúc. Thực tế những năm qua cho thấy rất nhiều vấn đề, yếu kém cứ tồn tại hết kỳ họp này đến kỳ họp khác, thậm chí kéo dài từ khóa QH này sang khóa khác vẫn không được các vị “tư lệnh” mà QH bầu và phê chuẩn tiến hành khắc phục, giải quyết. QH đã bầu, phê chuẩn là có thể an tâm tại vị tới hết nhiệm kỳ cho dù các đại biểu và cử tri có bức xúc tới đâu trước những vấn đề chậm trễ khắc phục.
Bởi thế, việc lấy phiếu tín nhiệm và nếu tín nhiệm thấp liên tục hoặc quá thấp sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp này sẽ mở ra cơ chế để QH biểu thị sự đánh giá, thái độ với những chức danh chủ chốt trong việc thực hiện trọng trách được giao phó. Tín nhiệm cao sẽ là sự động viên, khích lệ để người lãnh đạo thêm nhiệt tình, hăng hái làm việc và cống hiến. Tín nhiệm thấp sẽ là sự cảnh tỉnh để biết mà sửa chữa, khắc phục điểm yếu, tồn tại hay khuyết điểm. Trường hợp tín nhiệm quá thấp, sẽ ngay lập tức phải đối mặt với 2 sự lựa chọn: bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc tuyên bố từ chức.
Chuyện lên hay xuống vốn dĩ rất bình thường trong đời sống chính trị hay thực thi công vụ nhưng điều tưởng bình thường này đã trở nên quá khó khăn do thiếu cơ chế khả thi. Cơ chế định kỳ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt bắt đầu từ kỳ họp này của QH đang mở ra hy vọng bình thường hóa việc lên hay xuống, giúp thúc đẩy hoàn thành tốt hơn trọng trách được giao, đồng thời giải quyết và khắc phục kịp thời những vấn đề tồn tại ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu cử tri, sự phát triển của đất nước.