MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ít đầu từ vào nông nghiệp vì “kẹt” ở chính sách

Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn.

“Tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tín dụng bảo hiểm trong nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết…” là những nội dung được đề cập trong hội nghị của nhóm công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Bộ và các cơ quan trực thuộc.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Bộ và các cơ quan trực thuộc.

Mặc dù nông nghiệp là ngành có lợi thế trong hội nhập, với nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đem lại kim ngạch xuất khẩu cao như: gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, gỗ và các sản phẩm lâm sản… thế nhưng số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất hạn chế, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính hiện chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.

Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế chính sách trong nông nghiệp, nông thôn, trong đó, vướng mắc lớn nhất là vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn về vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Doanh nghiệp phải là yếu tố then chốt, là người dẫn dắt nông nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các cơ chế chính sách trong nông nghiệp phải thông thoáng và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp khi tham gia đầu tư. Muốn phát triển kinh tế trên cơ sở nông nghiệp thì phải đầu tư cho nông nghiệp, thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Ở đây là xuất phát từ thương mại, từ thị trường để hoạch định sản phẩm. Có những mặt hàng chúng ta phải giảm đi, làm ít hơn, nhưng quy mô đất đai bớt đi số hộ để tích tụ đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, giảm sự tham gia của Nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp từ đó phát huy tính chủ động của doanh nghiệp và nông dân khi đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã trực tiếp giải đáp những khó khăn mà các doanh nghiệp và chuyên gia đưa ra. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương rà soát, báo cáo những vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông nghiệp phải tái cơ cấu, thay đổi cách thức và đổi mới, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Nông nghiệp vừa phải đảm bảo an ninh lương thực, vừa là ngành hàng để nâng cao thu nhập của đa số người dân Việt Nam là nông dân. Để làm được điều này không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chính là hỗ trợ cho nông dân.

Bộ trưởng khẳng định, “phát triển doanh nghiệp là then chốt, là nòng cốt trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp. Phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, những gì thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp sẽ chỉ đạo xử lý ngay, những gì vướng mắc của các Bộ, ngành khác chúng tôi sẽ có ý kiến và liên hệ phối hợp để giải quyết. Trong quá trình giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, quan điểm của Bộ coi đây là trách nhiệm và bổn phận mà Bộ, và các đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện”./.

Theo Minh Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên