MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chật vật trước hội nhập

Theo các chuyên gia, con đường đến với thành công trong quá trình hội nhập của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam còn nhiều chông gai do đang hoạt động trong một sân chơi khá tù túng về mặt phát triển bền vững cũng như kết nối với các doanh nghiệp lớn để phát triển.

Lợi thế sẽ không còn

Phát biểu tại Diễn đàn “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP và Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam - EU - EVFTA: Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/1, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quyết định để chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách thiết lập những nền tảng vững chắc để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Để làm được điều này, chúng ta cần có một động cơ mới để cải cách. Nhưng điểm khó nhất chính là những cải cách trong nước phải tương thích với những cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia.

Theo ông Thành, sau 30 năm đổi mới và mở cửa, đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công không hiệu quả; chi phí kinh doanh còn rất cao, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng mở rộng; Khối DN nhỏ và vừa ngày càng teo tóp. “Tôi cho rằng khoảng 5-7 năm nữa, khi một số nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia…cũng gia nhập TPP và EU nối lại đàm phán FTA với ASEAN và nếu FTA giữa EU với ASEAN được ký kết thì lợi thế hiện nay của VN với các nước ASEAN chưa gia nhập TPP hay chưa ký FTA với EU sẽ không còn nữa”, TS Võ Trí Thành băn khoăn.

Nhiều điều đáng lo

Dẫn hàng loạt những con số về xếp hạng môi trường kinh doanh được các tổ chức quốc tế công bố mới đây cho thấy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang trong tình trạng đuối sức khi tham gia sân chơi toàn cầu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sức khỏe của DN Việt Nam rất đáng lo ngại khi xếp ở vị trí chót bảng về hầu hết các đầu mục được đánh giá trong 12 nước tham gia TPP. Như về phát triển hoạt động doanh nghiệp, DN Việt Nam cũng còn ở khoảng cách rất xa so với nước đứng phía trên là Peru, chưa kể so với các nước khác. Ngoài ra, các chi phí về thuế, về thủ tục hải quan cao khiến DN trong nước bị bào mòn sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra các nước.

“Chúng ta có các cụm công nghiệp theo địa lý, đất đai nhưng không có cụm công nghiệp theo lĩnh vực hoạt động, ngành nghề hỗ trợ nhau. Ngoài ra, các DN Việt thời gian qua chủ yếu làm việc với nhau trên khía cạnh bán hàng trong khi hỗ trợ nhau tham gia phát triển sản phẩm thì lại không có. Chính phủ cần xây dựng chương trình “quốc gia khởi nghiệp” để thúc đẩy tinh thần đầu tư kinh doanh của người dân”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Điểm đáng báo động khác, theo bà Lan, chính là việc những năm gần đây, số lượng DN có tăng lên nhưng quy mô lại ngày càng nhỏ đi. Tính 10 năm, từ 2002 đến 2012, quy mô về lao động của DN Việt Nam chỉ còn một nửa. Bên cạnh đó, dù quy mô về vốn có tăng lên, nhưng nếu tính yếu tố lạm phát, trượt giá, quy mô về vốn thật sự của các DN chỉ còn một nửa. “Quá trình phát triển đáng nhẽ DN Việt phải đi từ siêu nhỏ lên nhỏ, rồi thành DN vừa rồi đến DN lớn. Nhưng DN của chúng ta đang dừng mãi ở quy mô siêu nhỏ trong suốt 10 năm qua. Dù số liệu cho thấy số DN thành lập mới có tăng nhưng số phải ngừng hoạt động cũng không kém. Đây là những DN đã hoạt động nhiều năm nhưng phải dừng cuộc chơi do không chịu được sức ép cạnh tranh trong khi số DN mới thành lập chưa biết khả năng tồn tại thế nào”, bà Lan phân tích.

Phân tích hàng loạt số liệu khác, vị chuyên gia này cũng cho thấy, một điều đáng báo động, năng suất lao động của khối DN nhà nước và tư nhân của Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa ngay cả với các DN nước láng giềng là Trung Quốc. Cùng đó, trình độ công nghệ mà các DN vừa và nhỏ của Việt Nam sử dụng đang lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước xung quanh. Ngay tỷ lệ các DN siêu nhỏ trên cả nước dùng các thiết bị điện để sản xuất, tính đến năm 2013, chỉ đạt 29%. Đây là tỷ lệ quá thấp. Bên cạnh đó, trình độ lao động không có tay nghề, không được đào tạo chính quy lên tới 87%.

Cũng theo bà Lan, để phát triển, cần có những chính sách đặc thù để nâng cao sức cạnh tranh của khối DN tư nhân và các DN nhỏ và vừa. Những quỹ, chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp tầm vóc rất nhỏ, rất ít DN tiếp cận được. Có bất cập nữa là ngành này thì mở nhưng ngành khác lại khép, khiến sự hỗ trợ phát triển đồng bộ theo chuỗi không phát huy được hiệu lực. “Chúng ta chỉ có 21% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi ở Thái Lan tỷ lệ là trên 30% và ở Malaysia là 46%. Điều này khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của khối DN FDI thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất”, bà Lan nói.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên