Doanh nghiệp nước ngoài rất quan ngại về khả năng cung ứng điện trong vòng 7 năm tới
Đó là ý kiến của Nhóm Công tác Điện và Năng lượng Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF 2014 đang diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (ngày 2/12/2014).
- 25-11-2014Ký hợp đồng EPC Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng
- 25-11-2014Yêu cầu thu hồi 14 dự án thủy điện tại Gia Lai
- 25-11-2014Chốt giá bán điện chính thức với EVN: VSH lợi hay thiệt?
Cụ thể, nhóm này cho biết: Các kế hoạch chuyển hướng của Việt Nam từ thủy điện sang nhiệt điện than cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì các nhà máy nhiệt điện than mới chưa thể hòa lưới điện như dự kiến và Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu than ròng sớm hơn dự tính.
Trong khi đó, nhu cầu điện năng dự kiến sẽ vẫn tiếp tục tăng nhanh với tốc độ 2 con số cho đến năm 2020.
Khi tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, các nhà máy thủy điện lớn đã gần như đạt hết công suất và được khai thác hoàn toàn, các nguồn khí đốt thiên nhiên và năng lượng hạt nhân tuy có nhiều tiềm năng nhưng tiến độ phát triển còn chậm chạp và chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân của sự chậm chễ này một phần do việc thực hiện và hoàn thành các cơ sở hạ tầng công cộng hiện tại cũng đang bị trì hoãn.
Do vậy, Nhóm Công tác Điện và Năng lượng - VBF lo ngại rằng nguồn cung năng lượng có thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng vào mùa cao điểm, nhất là ở khu vực phía nam và vào mùa khô.
Nhóm công tác cũng đã đề đến các nguồn năng lượng tái tạo như một giải pháp cho việc đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn về năng lượng của Việt Nam, đồng thời mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ Công thương trong việc đề xuất và đưa ra các giải pháp về năng lượng cho Việt Nam dựa trên những mô hình đã thực hiện ở các nước khác.
Các kiến nghị chính của Nhóm Công tác Điện và Năng lượng cụ thể như sau:
Thứ nhất, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng phù hợp nhất để giúp Việt Nam giải quyết nhu cầu về năng lượng trong ngắn hạn do có khả năng điều chỉnh linh hoạt và mở rộng trong thời gian ngắn (2 năm), trong đó điện gió sẽ đóng vai trò chủ đạo, tiên phong đi đầu dựa trên mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện có (với 4,4 GW công suất lắp đặt của các dự án đã đăng ký) và chính sách hỗ trợ ưu đãi hiện nay của Chính phủ.
Thứ hai, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Nhóm Công tác đề xuất xây dựng một môi trường thuận lợi và thu hút đầu tư để ngành này phát triển.
Theo đó, Nhóm Công tác ủng hộ đề xuất của các cơ quan tư vấn cho Bộ Công thương về việc tăng mức giá bán áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng điện gió đồng thời đơn giản hóa thủ tục, quy trình áp dụng và triển khai.
Nhóm Công tác cũng ủng hộ các nỗ lực của Bộ Công thương về áp dụng biểu giá khuyến khích cho năng lượng sinh khối. Ngoài ra, để cải thiện môi trường đầu tư cho điện mặt trời, đề nghị cần có các biện pháp hỗ trợ tài chính như tăng cường ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thu hồi vốn đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời trong 2 năm sau khi đầu tư đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng.
Thứ ba, cần nhận thức rõ rằng năng lượng tái tạo có khả năng điều chỉnh linh hoạt về quy mô, có thể điều chỉnh tăng quy mô cung cấp năng lượng tái tạo khi hòa lưới điện quốc gia.
Vì thế, Nhóm Công tác ủng hộ các nỗ lực để hiện đại hóa lưới điện, cũng như các nỗ lực để lưới điện có thể sẵn sàng kết nối với các nguồn cung năng lượng tái tạo quy mô lớn, bao gồm cả cơ sở hạ tầng và khung pháp lý cho các hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa các nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng cuối cùng như được thảo luận tại Diễn đàn Giữa kỳ vào tháng 6 vừa qua.
Thứ tư, EVN tiếp tục hoạt động không hiệu quả và giá điện vẫn duy trì mức giá thấp nhất trong khu vực. Điều này hạn chế vốn đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hệ thống lưới điện đồng thời giảm nỗ lực tiết kiệm năng lượng của khách hàng.
Vì vậy, nhóm công tác đã đề nghị tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh chính sách trợ giá điện để giúp phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Động thái này sẽ giúp EVN tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, có lợi nhuận theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích các nỗ lực tiết kiệm năng lượng của người sử dụng cuối cùng. Việc điều chỉnh giá điện làm cho thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh và sẽ tránh hiện tượng mất điện, thiếu hụt điện mà hiện nay đang ảnh hưởng đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Thứ năm, cộng đồng các nhà tài trợ cần đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự hình thành, phát triển mạnh mẽ, bền vững của một ngành sản xuất năng lượng tái tạo có sự hỗ trợ của khối doanh nghiệp.
Nhóm Công tác kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và tạo điều kiện cho việc hình thành những cơ chế tài chính hỗ trợ, tài trợ dự án trong đó rủi ro tín dụng/rủi ro ở tầm quốc gia sẽ được xử lý bởi các thỏa thuận song phương giữa hai Chính phủ, khác với cơ chế bảo lãnh của Chính phủ thường chỉ dành cho một số ít dự án.
Khánh Nhi