MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA

Theo một khảo sát của The Economist, tỷ lệ trung bình sử dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 37%.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam đã ký kết và đang trong giai đoạn đàm phán để ký kết 19 hiệp định thương mại tự do, gọi tắt là các FTA, theo cơ chế song phương và đa phương.

Việc ký kết các FTA này mở ra thị trường thương mại tự do cho Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, theo một khảo sát được tiến hành bởi tờ báo rất uy tín của Anh, The Economist, tỷ lệ trung bình sử dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 37%.

Như Công ty Minh Diện chuyên gia công đế giày cung cấp cho các nhà máy sản xuất da giày xuất khẩu, tuy biết về các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có TPP... nhưng, biết để có thể đón đầu cơ hội từ các FTA cho hoạt động sản xuất của mình, với doanh nghiệp này, gần như bằng 0.

Ông Lê Quang Doãn - TGĐ Công ty Minh Diện cho biết: “Theo quy định của TPP, nguyên liệu sản xuất của công ty có phải trong nước hay không, chúng tôi cũng không được rõ. Vấn đề nội địa hóa đến mức độ nào, nguyên phụ liệu phải đáp ứng những yêu cầu gì chưa được đầy đủ, rõ ràng... Và với cách làm như hiện nay, chúng ta hình dung, chúng ta luôn luôn bị chậm”.

Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bà Kim Thư - TGĐ Công ty TNHH Otawak Thiên Hòa chia sẻ: “Gần đây nhất khi được hỏi bạn có biết gì về TPP không, phần đông doanh nghiệp đều trả lời là “không”, dù Chính phủ đang cử đoàn nọ đoàn kia đàm phán”.

Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, nội dung quan trọng nhất là cắt giảm thuế quan với 90% các dòng thuế được cắt bỏ xuống 0%. Thế nhưng, có tới 52% doanh nghiệp Việt cho biết họ không sử dụng FTA do sự phức tạp của các điều khoản.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp FDI lại thương chuẩn bị sẵn, chỉ chờ hiệp định chính thức thông qua.

Ông Trần Đăng Tường - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiên Nam nói: “Qua tìm hiểu các điều khoản trong hiệp định, chúng tôi đã làm việc với đối tác Hongkong để đầu tư thêm nhà máy vải sợi, nhà máy may...”.

Theo phân tích của bà Jasmine Lau- GĐ Khối dịch vụ tài chính doanh nghiệp - HSBC Việt Nam, để có thể tận dụng hết lợi thế từ các FTA mang lại, cần tạo một nền tảng về thông tin tốt hơn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bà cho rằng các thể chế tài chính cần phát huy hơn nữa vai trò để có thể làm cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường mục tiêu của họ, thay vì doanh nghiệp hiện nay chỉ tìm đến các hiệp hội ngành nghề, hay các phòng thương mại...

Việt Nam hiện đang tiếp tục đàm phán khoảng 10 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Điều đó có nghĩa tiêu chuẩn đưa ra sẽ cao hơn và khi được ký kết, ngay lập tức đưa thuế suất về 0%.

Trong số các Hiệp định trên có hiệp định Liên minh Hải quan với các nước Nga, Kazakhstan, Belarus. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra trong ít ngày nữa. Theo phương án Bộ Tài chính đưa ra, thuế đối với mặt hàng thép sẽ giảm về 0%. Và đến tận lúc này, các doanh nghiệp thép trong nước mới bắt đầu lo lắng về khả năng đóng cửa trước nguy cơ thép từ Nga tràn ngập thị trường.

Theo Hoài Linh

cucpth

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên