MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt đang “ngại” lớn?

Các DN nhỏ và vừa chiếm tới hơn 90% tổng số DN trong cả nước đang loay hoay tìm hướng phát triển lớn mạnh hơn.

“Ngại” hay “không thể”

Theo báo cáo giám sát "Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cuối tuần qua, giai đoạn 2007-2014, tỷ lệ các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ tăng, hiệu suất sử dụng lao động có xu hướng giảm, khả năng thanh toán của DN chưa được cải thiện.

Các DN dệt may, da giày... từng bước tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu nhưng số lượng các DN chưa nhiều, một số khâu trong sản xuất khó có sự đột phá như thiết kế, nguyên liệu... chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất định hướng XK, thấp hơn so với Malaysia và Thái Lan.

Chính vì thế, khả năng tự ứng phó hoặc liên kết để ứng phó với các tranh chấp không cao, sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hiệp hội chưa đủ mạnh để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần chỉ rõ nguyên nhân tại sao chúng ta chưa hội nhập sâu được.

Nói về vấn đề này, một chuyên gia về thương mại và kinh tế đã nhận định, DN Việt Nam bên cạnh một bộ phận tự bản thân không thể phát triển, còn một bộ phận DN “ngại” lớn. Nguyên nhân vì nếu phát triển lớn hơn thì DN sẽ mất nhiều chi phí hơn và sẽ nảy sinh nhiều “rắc rối” khó lường trước, do đó, “nhỏ mà an toàn” sẽ tốt hơn trong bối cảnh hiện nay.

Không thực sự đồng tình với quan điểm trên, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, doanh nhân và DN nào cũng muốn phát triển, cũng có ước mơ làm giàu nên đại bộ phận DN không cho rằng vì nguyên nhân nào đó khiến họ “ngại” lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn để DN lớn lên còn rất nhiều, từ nội tại DN, cản trở lớn nhất là công nghệ chưa tốt, nguồn nhân lực trong DN chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo chuẩn quốc tế. Tầm nhìn dài hạn của nhiều DN trong giai đoạn hội nhập vẫn chưa có nên chưa tìm được cách thức khai thác cơ hội mà thị trường mở ra.

Đặc biệt, cơ cấu sản xuất của các DN sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu NK nên không tạo được giá trị gia tăng cao. Mặt khác, những khó khăn vẫn tồn tại từ lâu về vốn, cơ sở hạ tầng, mặt bằng… còn đeo bám.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Lượng, Giám đốc Công ty TNHH da giày Phong Châu cho biết thêm, hầu như các DN còn đang vướng mắc trong vấn đề về nguồn vốn và con người. Thậm chí, nhiều DN quá nhỏ nên họ phát triển lên gấp đôi cũng chưa đáng kể và phải mất rất nhiều thời gian, kinh phí mới có thể tiếp tục mở rộng quy mô.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Séc (DN chuyên chế biến, XK đồ gỗ nội thất tại Đà Nẵng), nếu DN xây dựng được dự án và quy trình kinh doanh khả thi thì ngân hàng cũng không khó khăn tạo điều kiện cho vay vốn. Nhưng DN yếu và thiếu nhất về quản trị, nếu mở rộng quy mô kinh doanh sản xuất mà quản trị không tốt thì cũng khó tồn tại được. Hơn nữa, tùy từng ngành nghề mà mỗi DN lại có những khó khăn riêng.

Tự lực tự cường

Một điều dễ nhận thấy là DN Việt Nam hiện đang bị “xoay vần” bởi nhiều yếu tố tác động cả bên trong lẫn bên ngoài. Do đó, để giúp DN có sự vươn lên nhanh chóng và vững mạnh, theo ông Tô Hoài Nam, cần sớm có sự thay đổi về môi trường kinh doanh, đầu tư và nhiều điều kiện hỗ trợ khác như: Tiếp cận vốn, chính sách, mặt bằng, chuyển giao công nghệ…

“Những thay đổi về chính sách, cải cách thủ tục hành chính như hiện nay đã giúp DN muốn phát triển lên. Tuy nhiên, thủ tục hành chính tại một số nơi vẫn còn làm chậm, triển khai chưa hiệu quả, chưa phù hợp với hoạt động DN. Ví dụ điển hình như quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa đã xây dựng từ lâu nhưng hiện vẫn chưa khả thi do còn vướng mắc, xung đột ở cơ chế điều hành”, ông Nam nói.

Bên cạnh nỗ lực từ các cơ quan quản lý để chuyển dần trọng tâm từ hội nhập bên ngoài vào bên trong, xuống từng địa phương và DN, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để phát triển tốt hơn, các DN cần có chiến lược tái cơ cấu, xây dựng tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh với sự chú trọng đầu tư về nhân lực, khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí…

Bên cạnh đó, các DN nếu ở quy mô nhỏ thì cần có sự liên kết lại, chuyển thành các công ty cổ phần hoặc hợp tác với các Viện nghiên cứu hoặc DN nước ngoài để tìm ra phương án kinh doanh hợp lý nhất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Còn theo ông Tô Hoài Nam, các DN cũng như những người làm chính sách không nên quá kỳ vọng vào những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là đầu tàu, có tác dụng lan tỏa làn sóng, lôi kéo được các DN trong nước cùng phát triển. Thay vào đó, DN Việt Nam dù đang ở quy mô nào cũng nên tự bắt tay xây dựng cho mình một chiến lược riêng, tự lực tự cường sẽ tạo được thế đứng bền vững, lâu dài hơn.

Theo Hương Dịu

Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên