Đổi mới đã đưa nền kinh tế Việt Nam ra với toàn cầu hóa
30 năm đã qua, kể từ khi Việt Nam đưa ra Đổi mới. Từ bên ngoài, với con mắt của một chuyên gia kinh tế, ông nhìn lại quá trình này như thế nào?
- 08-02-2016Chuyển hóa sức mạnh quốc tế để tự cường trong hội nhập kinh tế
- 08-02-2016WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội
Trước khi bàn về Đổi mới và sự thành công của nó, tôi muốn nhắc đến một câu hỏi mà thực sự đến nay tôi vẫn chưa có câu trả lời, đó là tại sao Việt Nam phải đợi đến Đại hội VI năm 1986 mới đưa ra Đổi mới để mở cửa nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thị trường và lĩnh vực tư nhân, trong khi Trung Quốc đã thực hiện sự mở cửa này từ trước đó 10 năm? Nếu Việt Nam tiến hành ngay sau ngày thống nhất đất nước năm 1975 thì đất nước này có thể đã không phải gánh chịu suy sụp của nền kinh tế trong thập kỷ 80. Như vậy mà nói, với việc phải đợi đến 10 năm sau so với Trung Quốc, Việt Nam đã đánh mất quá nhiều thời gian.
Điểm thứ hai, giờ thì tôi nói về sự thành công. Với Đổi mới, cái nhìn của tôi rất tích cực. Đổi mới đã thành công, trước hết là vì nó duy trì được một sự tiếp nối chính sách liên tục từ suốt 1990 đến nay, cùng với đó là sự ổn định của chế độ chính trị. Mà Đổi mới, nội dung của nó là gì? Trước hết, là mở cửa một nền kinh tế vốn hoàn toàn là của nhà nước ra với một nền kinh tế thị trường và các xu hướng tư nhân, một cách rất từ từ. Thứ hai, đó là không xóa bỏ ngay lập tức các công ty nhà nước hay cố giữ lấy nó, mà là cải cách các công ty này. Việt Nam đã quyết định giữ các công ty này bằng cách quyết định, vào năm 1991, rằng phải cải tổ chúng. Việc này còn xa mới kết thúc.
Điểm đáng chú ý thứ ba của Đổi mới, đó là Việt Nam đã mở cửa hết sức từ từ nền kinh tế của mình với toàn cầu hóa bởi vì vào những năm 80. Việt Nam đã làm rất từ từ cho đến khi gia nhập WTO. Cái đó, tôi coi là thành công, vì Việt Nam đã làm từng bước một và có sự tiếp nối liên tục suốt gần 30 năm. Nhưng, mà điều này thì tôi nhấn mạnh, tất cả những điều trên đều không ngăn được các giai đoạn khó khăn, như cuộc khủng hoảng bắt đầu từ cuối năm 2010, khiến Chính phủ phải đưa ra một quyết định khắc nghiệt, nhưng dũng cảm, giống như một dạng chính sách khắc khổ để Việt Nam lập lại cân bằng ngân sách.
Nói cách khác, là Đổi mới có sự tiếp nối liên tục nhưng cũng có những giai đoạn khủng hoảng. Thứ tư, mà tôi thấy đáng nói, là thâm hụt trao đổi thương mại với Trung Quốc rất cao và không ngừng tăng, trong khi đầu tư của Trung Quốc lại rơi vào rất nhiều lĩnh vực chiến lược. Đây là lí do mà Việt Nam đang đi tìm các nhân tố khác để bù đắp.
* Nhiều người ở Việt Nam đang coi TPP như chiếc đũa thần, không chỉ về kinh tế mà còn về địa chính trị. Nhưng với TPP, Chính phủ Việt Nam sẽ phải cam kết xóa bỏ các ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước. Làm thế nào để làm được điều khó khăn này?
- Đúng thế. Khi ký TPP, tức là Việt Nam cam kết sẽ không được dành các ưu đãi, nếu tôi có thể nói thế, cho các doanh nghiệp nhà nước nữa. Các doanh nghiệp này sẽ không được quyền ưu tiên tiếp cận vốn vay, và nếu nó làm ăn thua lỗ thì phải bị phá sản, như một doanh nghiệp tư nhân. Nó cũng không được nhận những trợ giúp chính sách nữa. Tóm lại, các doanh nghiệp nhà nước sẽ phải trở nên như bao doanh nghiệp khác. Còn về sự hưng phấn với TPP thì sau khi TPP đạt được thỏa thuận, tôi đọc được trên báo chí Việt Nam những lời lẽ, kiểu như “thế là xong rồi”, “chúng ta đã thành công”… Như thế là quá sớm.
* Trở lại với viễn cảnh kinh tế Việt Nam. Năm 2011, trong một bài báo lớn trên tờ Le Monde, ông xếp Việt Nam vào nhóm những nước hứa hẹn nhất, trong nhóm VISTA (Việt Nam, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina) hay CIVETS (Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi). Liệu cách nhìn này còn đứng vững từ Châu Âu không?
- Có. Trong một thời gian dài, Việt Nam đã luôn tăng trưởng 7-7,5%. Đáng nói là khi đó, Việt Nam vẫn luôn tăng trưởng thấp hơn Trung Quốc khoảng 2% nhưng từ vài năm nay, tăng trưởng của Việt Nam đã ngang Trung Quốc. Đó là điều tốt. Tôi vẫn có hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng.
* Nhìn vào tất cả những gì đang diễn ra, liệu đã đến thời điểm Việt Nam thực hiện một cuộc Đổi mới lần 2?
- Không cần thiết. Từ khi là thành viên WTO, nền kinh tế Việt Nam đã mở ra rất rộng với kinh tế thế giới. Nó còn được liên kết bởi khu vực tự do mậu dịch ASEAN - Trung Quốc, rồi với EU và ASEAN thì trong tương lai gần, sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế. Vì thế, liên quan đến chuyện mở cửa thì Việt Nam không thể mở nhiều hơn nữa. Công cuộc Đổi mới, đưa nền kinh tế Việt Nam từng bước ra với toàn cầu hóa, đã đi đến đích. Không thể làm tốt hơn nữa. Về cải cách các công ty nhà nước thì luật đầu tiên về vấn đề này đã có từ năm 1991 và Đảng Cộng sản Việt Nam, sau cuộc khủng hoảng 2010, đã ý thức rất rõ rằng các công ty này cần mọi cách làm ăn có lãi, hoạt động hiệu quả và cách tân. Điều này thì Việt Nam chưa làm được.
Vẫn còn quá nhiều công ty có quá nhiều nhân sự mà hiệu quả kinh doanh rất thấp và gần như không chống cự được với sự cạnh tranh từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Dù số công ty nhà nước này đã giảm từ khoảng 12.000 công ty năm 1990 xuống còn hơn 1.000 ngày nay, là sự cắt giảm rất lớn, nhưng về tổng thể thì chúng vẫn kém hiệu quả và thiếu tính cạnh tranh. Con đường mà Đảng theo đuổi để cải cách các công ty này là cổ phần hóa, tức đưa vốn xã hội và các cổ đông bên ngoài vào, đồng thời lập ra Ban quản trị hoàn toàn độc lập. Tôi cho rằng, các biện pháp này rõ ràng chưa đủ.
* Xin cảm ơn ông.
Philippe Delalande là tiến sĩ kinh tế, tốt nghiệp trường Sciences Po Paris, chuyên gia của Asie 21-Futuribles, một think-tank chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược tương lai của Châu Á, từng làm Giám đốc Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan liên chính phủ Pháp ngữ tại Hà Nội trong 5 năm.
Tác giả các cuốn sách: Việt Nam đối diện tương lai; Trung Quốc đến năm 2020; Việt Nam, con rồng đang lên. Là cây bút, nhà bình luận quen thuộc trên các báo, tạp chí và đài truyền hình Pháp về các vấn đề chiến lược và kinh tế Châu Á.
Lao động