MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối tượng sẽ được giảm trừ gia cảnh thuế TNCN

Trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì người nộp thuế được lựa chọn nơi tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi trong năm tính thuế.

Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân (Luật thuế TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN và hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNCN và Luật thuế TNCN sửa đổi. Theo đó, Bộ Tài chính đã cụ thể hoá tỷ lệ khấu trừ thuế TNCN, cách xác định các khoản giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc.

9 triệu đồng/tháng là mức tính bình quân cả năm

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, việc giảm trừ gia cảnh được thực hiện như sau: Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doan, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công.

Đối với mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và 108 triệu đồng/năm: Cụ thể với mức 9 triệu đồng/tháng là mức tính bình quân cho cả năm, không phân biệt một số tháng trong năm tính thuế không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng. Đối với mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế, dự thảo quy định rõ: Người nộp thuế chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân nếu đã đăng ký thuế và có mã số thuế tính đến thời điểm quyết toán thuế. Trường hợp cá nhân chưa có mã số thuế thì không được tính giảm trừ cho bản thân trong năm tính thuế. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ cho bản thân trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho bản thân theo thực tế khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế theo quy định và có mã số thuế.

Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 1 (hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam) đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng). 

Ví dụ: Ông A, Quốc tịch Mỹ đến Việt Nam làm việc liên tục từ năm 2010. Ngày 15-8-2014, ông A kết thúc Hợp đồng lao động và về nước. Như vậy, năm 2014, ông A là cá nhân cư trú và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 1 đến hết tháng 8 năm 2014.

Trường hợp trong năm tính thuế người nộp thuế bị chết thì chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 1 (hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân người nước ngoài lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam) đến tháng bị chết trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

Ví dụ: Ông C là cá nhân cư trú của Việt Nam chết vào tháng 8-2014 thì ông C được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 1-2014 đến tháng 8-2014.

Trường hợp người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì người nộp thuế được lựa chọn nơi tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi trong năm tính thuế.

Người phụ thuộc phải đáp ứng một số điều kiện

Về giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, theo dự thảo, người nộp thuế chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế và người phụ thuộc đã được cấp mã số thuế tính đến thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế. Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc theo thực tế khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế theo quy định và đã có mã số thuế theo quy định.

Riêng đối với người  phụ thuộc chưa có mã số thuế đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng phát sinh từ tháng nào thì được tính giảm trừ từ tháng đó.

Trường hợp trong năm tính thuế người nộp thuế bị chết thì chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng phát sinh đến tháng người nộp thuế bị chết trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng). Người phụ thuộc của người nộp thuế này được tính giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế khác kể từ tháng sau.

Trường hợp nhiều đối tượng nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì các đối tượng nộp thuế phải tự thoả thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một đối tượng nộp thuế. Đối tượng nộp thuế có trách nhiệm kê khai số người phụ thuộc được giảm trừ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc kê khai này.

Theo đó, người phụ thuộc bao gồm các đối tượng sau: Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng gồm con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).

Ngoài ra, còn có các cá nhân khác không nơi nương tựa, mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng bao gồm:  Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế; Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế; Cháu ruột của người nộp thuế (bao gồm con của anh ruột, chị ruột, em ruột); Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo nêu rõ, đối tượng được tính là người phụ thuộc trên phải đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau: Đối với người trong độ tuổi lao động được xác định là người phụ thuộc phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: Không có khả năng lao động;  Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1 triệu đồng.

Nội dung dự thảo này được đăng tải tại Cổng thông tin Bộ Tài chính (www.mof.gov.vn)

Quy định về hồ sơ chứng minh người phụ thuộc

Đối với trường hợp con dưới 18 tuổi phải có bản sao Giấy khai sinh; Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động cần có các giấy tờ sau: Bản sao Giấy khai sinh, Giấy xác nhận khuyết tật, Con đang theo học tại các bậc cần có các giấy tờ như: Bản sao Giấy khai sinh, Bản sao Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc các giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc học nghề.

Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú, con riêng thì ngoài các giấy tờ theo từng trường hợp nêu trên cần có thêm bản sao quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với vợ hoặc chồng cần có các giấy tờ sau: Bản sao Chứng minh nhân dân và Bản sao sổ hộ khẩu hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên phải có thêm Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định.

Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng), cha dượng, mẹ kế, cha nuôi hợp pháp, mẹ nuôi hợp pháp cần có các giấy tờ sau: Bản sao chứng minh nhân dân và giấy tờ liên quan khác để xác định rõ mối quan hệ của người phụ thuộc với đối tượng nộp thuế.

Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, cần có thêm bản sao Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định.

Đối với các cá nhân khác cần có: Chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh và Các giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với người nộp thuế. Các giấy tờ hợp pháp nêu ở đây là bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của người nộp thuế đối với người phụ thuộc như: Bản sao sổ hộ khẩu (nếu có cùng sổ hộ khẩu); hoặc Bản sao đăng ký tạm trú của người phụ thuộc (nếu không cùng sổ hộ khẩu); hoặc Bản sao Giấy khai sinh thể hiện được quan hệ này...

Theo T.Hằng

thunm

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên