Đón đầu hiệp định thương mại để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 77,7 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm. Tuy nhiên, nhập siêu tăng mạnh, gần sát với chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, đây cũng là thách thức để ngành công thương hoàn thành mục tiêu cho cả năm 2015.
- 15-06-2015Ngành hàng nào được lợi từ FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu?
- 14-06-2015Ngành thép lo ứng phó với sức ép từ FTA
- 04-06-2015"Giảm thuế theo cam kết FTA tác động không lớn tới ngân sách"
Nhằm hiểu rõ hơn haotj động xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có trao đổi với PV xung quanh vấn đề trên.
- Xin thứ trưởng cho biết những đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói 6 tháng đầu năm chúng ta chứng kiến rất nhiều sự biến động của thị trường thế giới, kể cả yếu tố bất ổn đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trước tiên, sức cầu chưa phục hồi mạnh dẫn đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, cao su, thủy sản thuộc nhóm hàng nông lâm thủy sản bị tác động rất mạnh trong 6 tháng qua khiến suy giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu.
Đơn cử như gạo, sau 6 tháng giảm khoảng 12% về lượng và giảm hơn 10% về giá xuất khẩu, tiếp đến là mặt hàng cà phê giảm đến 30% lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp cũng có nhiều nỗ lực trong việc phát triển thị trường mới và đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhờ đó đã giảm thiểu nhiều tác động khi một số thị trường lớn suy giảm.
Có thể thấy, tăng trưởng xuất khẩu trong 3, 4 tháng đầu năm thường chỉ ở mức 6,6% - 8%, nhưng nhờ mở rộng thị trường nên sau 6 tháng dự báo mức tăng trưởng lên đến 9%. Như vậy là có sự phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước và có sự chuyển biến tích cực của những tháng cuối quý 2.
Về cán cân thương mại, từ chỗ xuất siêu gần 2 tỷ USD ở năm 2014 thì từ đầu năm nay nhập siêu đã quay trở lại, với mức độ lần lượt trong quý 1 và quý 2 là 6% và 8% kim ngạch xuất khẩu.
Nhưng trong tháng Năm và tháng Sáu, nhờ tăng cường năng lực xuất khẩu, nên kết thúc 6 tháng, ước tính nhập siêu chỉ còn ở mức 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Như vậy về mặt kiểm soát kiềm chế nhập siêu chúng ta là vẫn đang giữ dưới mức 5%, theo mục tiêu đăng ký với Quốc hội.
- Với nhiều Hiệp định Thương mại tự do đã ký và chuẩn bị ký kết, theo thưa thứ trưởng sẽ có những tác động nào tới nền kinh tế của Việt Nam?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Nhìn một cách tổng thể, trong nửa đầu năm nay, tình hình kinh tế còn rất khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan của thế giới tác động đến xuất nhập khẩu.
Về hội nhập, theo tôi hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do mới vẫn đang tiếp tục được đàm phán để đẩy nhanh tiến độ, cụ thể là các Hiệp định như: TPP, FTA... đây sẽ là những yếu tố mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho kinh tế cũng như cho xuất khẩu năm 2015.
- Thời gian qua, việc tiêu thụ nông sản của chúng ta gặp còn nhiều khó khăn, vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp như thế nào cho nhóm hàng này thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2014, nhóm hàng nông lâm thủy sản đã xuất khẩu được trên 30 tỷ USD, chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu chung.
Tuy có kim ngạch cao như vậy nhưng việc sản xuất và xuất khẩu của nhóm này cũng nhạy cảm vì liên quan đến đời sống của nông dân, vì vậy việc đảm bảo tiêu thụ các mặt hàng có kim ngạch lớn như cao su, càphê là nhiệm vụ có tính thường xuyên của các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương.
Qua đánh giá, Bộ Công Thương cho rằng, nhóm hàng nông lâm thủy sản năm nay sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng trên 10% như năm ngoái. Nhưng các bộ ngành chức năng sẽ phải phấn đấu bằng mọi giá để có thể tiêu thụ hết các sản phẩm nông sản và đảm bảo hiệu quả trong sản xuất của người nông dân.
Tôi lấy ví dụ như gạo, chúng ta luôn luôn có yêu cầu phải tiêu thụ hết gạo cho nông dân nhưng phải đảm bảo được lợi nhuận ít nhất ở mức 30% cho người nông dân, đấy là nhiệm vụ quan trọng phải làm. Ngoài ra những mặt hàng khác như tôm, cá tra, càphê, cao su… cũng vậy, quan trọng nhất là phải quan tâm tổ chức được thị trường tiêu thụ.
Cách làm như thế nào thì hiện các bộ ngành vẫn triển khai, tuy nhiên thời gian tới đây sẽ phải đặt mức độ quan tâm và ưu tiên cao hơn.
Đơn cử như hoạt động xúc tiến thương mại sẽ phải có quan tâm tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội để giúp họ có khả năng tham gia vào việc tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua đó, các tổ chức này được thụ hưởng từ cơ chế hỗ trợ trong chương trình xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, với thị trường quan trọng như châu Âu, Nhật Bản và một số thị trường truyền thống như khu vực Đông Nam Á, Đông Á, phải lựa chọn các doanh nghiệp có khả năng hiểu biết về thị trường, khả năng kết nối vùng nguyên liệu và vùng cung ứng sản phẩm xuất khẩu để có thể tổ chức các hoạt động xúc tiến, qua đó giúp cho đầu mối tiêu thụ và kênh tiêu tiêu thụ với các thị trường lớn được ổn định và phát triển bền vững.
Ở góc độ vĩ mô, Bộ tiếp tục nghiên cứu và xem xét những lợi thế trong hội nhập để tạo thuận lợi cho các sản phẩm của Việt Nam trong việc khai thác thị trường lớn, thị trường trọng điểm, qua đó mới có thể cạnh tranh hiệu quả hơn tại những thị trường này.
Cuối cùng là phải tổ chức lại thị trường chuyên nghiệp hơn, nắm bắt thông tin về thị trường và đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp để khai thác thông tin thị trường có hiệu quả. Khâu tiếp theo là giúp cho doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh gắn kết với người nông dân cũng như người sản xuất để có thể đưa sản phẩm ra nước ngoài một cách ổn định và hiệu quả hơn.
Ở đây, phía bộ ngành sẽ phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nông dân và các đối tượng có liên quan kết hợp chặt chẽ với nhau để tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất và kinh doanh nông sản và các mặt hàng nông lâm thủy sản của chúng ta.
- Thưa thứ trưởng, qua 6 tháng chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ở mức rất cao, vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp như thế nào để hạn chế và cải thiện tình trạng nhập siêu này?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói nhập siêu của Trung Quốc là vấn đề rất lớn của cả nền kinh tế và quan hệ thương mại trong giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng nó còn tiếp diễn trong một khoảng thời gian nữa chứ không thể chấm dứt ngay lập tức được.
Hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc tuy có nhập siêu nhưng nếu đánh giá về bản chất về năng lực, trình độ phát triển, vị trí địa lý và quan hệ hợp tác song phương cũng như trong khuôn khổ hội nhập toàn cầu hóa thì điều này là tất yếu.
Trước tiên, có thể thấy Trung Quốc là một nguồn cung cấp sản phẩm đầu vào của nhiều ngành sản xuất, với mức giá thành rất cạnh tranh, đây là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu để tiếp tục gia công và hoàn thiện sản phẩm mới trước khi tiếp tục đưa ra thị trường thế giới.
Ví dụ sản phẩm của dệt may, nhờ nguồn nguyên liệu rẻ nên ngành này có sức cạnh tranh giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh.
Trên thực tế, tình trạng Trung Quốc luôn xuất siêu không chỉ diễn ra riêng đối với Việt Nam, mà còn với tất cả các đối tác thương mại khác. Có nghĩa là khả năng cạnh tranh của sản phẩm từ Trung Quốc đối với thế giới trong nhiều lĩnh vực cũng rất mạnh.
Ngoài ra, trong nhiều lĩnh vực, trình độ công nghệ, thiết bị của Trung Quốc cũng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam, giúp doanh nghiệp tận dụng để tăng hiệu quả trong các dự án, công trình đầu tư sản xuất.
Ở chiều ngược lại cũng phải thấy rằng, việc xuất khẩu của Việt Nam sang Trung vẫn còn có nhiều hạn chế do sự phát triển về năng lực sản xuất chưa cao.
Tiếp đến, sản phẩm của Việt Nam chưa tiếp cận và chưa ổn định tại các kênh phân phối lớn tại thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, các cơ chế ưu đãi của quan hệ song phương chưa khai thác được hết.
Do vậy, để khắc phục được việc nhập siêu quá lớn trong quan hệ thương mại như vậy thì phải tính đến yếu tố mang tính dài hạn, trong đó phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như nâng cao hiệu quả của các sản phẩm xuất khẩu.
Đặc biệt, về mặt chính sách vĩ mô dù đã có nhưng thời gian tới, các bộ ngành chức năng cũng phải có chính sách thiết thực hơn.
Ví dụ chính sách hướng tới đổi mới trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực nguồn nhân lực, phát triển mô hình tăng trưởng, thay đổi động lực tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế... đây là những chính sách không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu.
Bên cạnh đó, chính sách vĩ mô phải phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên nhằm tạo ra chuỗi giá trị chung phù hợp với yêu cầu thị trường vì Trung Quốc là thị trường lớn và tiềm năng. Bộ Công Thương cũng có vai trò quan trọng trong khâu tổ chức sản xuất, thiết lập kênh phân phối và cả khâu tiêu thụ.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.