Đồng Nai: Chính quyền sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong “cuộc chơi” mới
Với một địa bàn có trên 10 ngàn DN, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, Đồng Nai cũng sẽ nhận được những ảnh hưởng sâu sắc nhất trong “cuộc chơi” hội nhập sắp tới. Và chính quyền sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong “cuộc chơi” này.
- 23-11-2015Thu hút FDI vượt kế hoạch: Nhìn từ cách đi riêng của Đồng Nai
- 13-11-2015Đồng Nai loại bỏ 13 cụm công nghiệp khỏi quy hoạch của tỉnh
- 01-11-2015Đồng Nai: Chạy đua cùng sân bay Long Thành
– Năm 2015 đánh dấu 2 sự kiện quan trọng là TPP hoàn tất đàm phán và thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC). Suy nghĩ của ông về việc này như thế nào khi lãnh đạo một địa phương với trên 10.000 DN?
Tôi vui mừng, và dĩ nhiên có một chút lo lắng vì hầu hết những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng lớn từ TPP hay AEC đều là những ngành thế mạnh của Đồng Nai, như: da giày, dệt may, nông sản, chăn nuôi… Tuy nhiên, đến nay cũng đã tương đối rõ vì TPP đã công bố toàn văn, những ngành nào bị ảnh hưởng, lộ trình cắt giảm thuế thế nào và chúng ta có bao lâu để chuẩn bị cho một cuộc chơi thật sự, chúng ta đều đã biết nên tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn.
Da giày, may mặc hưởng lợi ngay; riêng chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng lớn nhưng chưa phải bây giờ mà có gần 10 năm để chuẩn bị nếu TPP được thông qua vào năm 2016. Đó là một khoảng thời gian tương đối dài để ngành chăn nuôi chuẩn bị, kịp thời chấn chỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ở vị trí lãnh đạo một địa phương có nhiều DN đóng chân, dĩ nhiên chúng tôi rất quan tâm đến tiến trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Nhiều luồng ý kiến lạc quan xen lẫn lo lắng, nhưng tôi cho rằng bất kể tham gia hội nhập ở khía cạnh nào thì nội lực của DN vẫn là điều cốt lõi.
– Ông có tin tưởng vào nội lực của DN Đồng Nai trước những cơ hội lẫn khó khăn, thách thức mà hội nhập đặt ra?
Tôi không thể khẳng định nội lực của tất cả DN Đồng Nai đều vững vàng, song qua nhiều cuộc trò chuyện và tiếp xúc với hàng trăm DN FDI, vốn nhà nước và tư nhân trên địa bàn thì tôi tin vào nội lực của nhiều DN Đồng Nai.
Mặt khác, Chính phủ khi quyết định tham gia vào một FTA nào thì đều có nghiên cứu và xem xét lợi ích tổng thể và có sự phân tích rất chi tiết từng ngành: dệt may lợi chỗ nào, da giày có thiệt hại gì không… và cân nhắc giữa được – mất và sẽ chọn lựa những FTA tốt nhất có thể. Do đó, tôi tin tưởng cơ hội sẽ nhiều hơn, và tôi nghĩ “được” hay “mất” nói cho cùng nằm ở sự chuẩn bị chu đáo của DN, càng chu đáo càng “được” nhiều hơn mất.
Tôi cũng cho rằng cạnh tranh là điều cần thiết để DN học cách lớn mạnh và tồn tại, và quan trọng nhất là cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho điều đó.
– Đồng Nai đã ghi dấu ấn sâu sắc khi là địa phương đầu tiên được công nhận huyện nông thôn mới cho thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc vào đầu năm 2015, tiếp tục là Thống Nhất và các huyện khác cũng sẽ đạt được điều này. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: sau nông thôn mới là gì và chúng ta cần làm gì để tiếp tục cải thiện đời sống nông dân?
Nói cho cùng, mục tiêu cao nhất của nông thôn mới là nâng cao đời sống và chất lượng sống của người dân nông thôn. Nếu không đạt được điều đó thì mọi thành tích đều là vô nghĩa. Đồng Nai đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thậm chí chúng ta “đi trước một bước” bằng Nghị quyết 26 về tam nông từ trước khi Chính phủ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bởi lãnh đạo tỉnh luôn mong muốn hướng về nông thôn để giúp nông dân có đời sống tốt hơn.
Còn sau nông thôn mới là gì thì tỉnh đã cụ thể hóa bằng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nhưng cũng không ngoài mục tiêu tiếp tục nâng cao mức sống, thu nhập, chất lượng sống của người dân. Tôi nghĩ, tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của nông sản là hướng đi đúng đắn. Hiện tại, công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản, Israel… cũng đã tiếp cận nông dân Đồng Nai thông qua các chương trình hợp tác, ký kết. Tôi mong muốn trong tương lai, sản phẩm nông nghiệp có thể đứng vững trên sân nhà và xuất khẩu vào các thị trường lớn, bền vững từ những gì Đồng Nai xây dựng hôm nay.
Sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện PCI
Mới đây, trao đổi với báo chí về chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định chính quyền địa phương này sẽ làm tất cả để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới, trong đó sẽ sớm chấn chỉnh các vấn đề như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và chi phí không chính thức. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc Đồng Nai có chỉ số PCI xếp hạng thứ 42 cả nước là thấp, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành các địa phương là tìm cách nâng cao chỉ số này. Riêng chỉ số tiếp cận đất đai giảm do trong vài năm gần đây, tỉnh Đồng Nai xác định chỉ tập trung thu hút đầu tư vào các KCN có hệ thống xử lý nước thải, không để đầu tư các nhà máy, xí nghiệp xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Năm nay chúng tôi sẽ phấn đấu, có thể thứ hạng chỉ số PCI không được nâng lên nhưng điểm số các chỉ tiêu phải được cải thiện. Và điều quan trọng nhất đối với Đồng Nai vẫn là kết quả về mức độ hài lòng của người dân, DN với các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước của tỉnh cũng như kết quả thu hút đầu tư của tỉnh và tạo ra được bao nhiều việc làm mới cho người lao động” – ông Vĩnh nhấn mạnh.