Đồng nhân dân tệ giảm giá: Tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp
Đó là trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu và linh kiện phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
- 14-08-2015Phá giá Nhân dân tệ và nguy cơ tràn ngập hàng Trung Quốc
- 13-08-2015Thận trọng với cơn "hoảng loạn" Nhân dân tệ Trung Quốc
- 13-08-2015Nhân dân tệ suy yếu có thể tác động đến giá gạo Việt Nam
- 13-08-2015Dệt may Việt Nam nhìn từ cuộc phá giá đồng Nhân dân tệ
Động thái hạ giá đồng NDT trong ba ngày liên tiếp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được dự báo sẽ gây khó khăn cho sản xuất và sức cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn nhận đây là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp của mình. Đó là trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu và linh kiện phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Cứ 10 chiếc áo sản xuất tại công ty May 10 thì 8 chiếc dành để xuất khẩu. Do nguồn cung trong nước không đảm bảo, chủ doanh nghiệp buộc phải lựa chọn nhập khẩu từ Trung Quốc gần 50% nguyên phụ liệu. Do đó, khi đồng NDT giảm giá, sẽ giúp cho giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào giảm, từ đó giảm được chi phí giá thành sản xuất.
Cụ thể, theo doanh nghiệp, trước đây nếu sản xuất 1 chiếc áo mất 100 đồng, thì giá nguyên phụ liệu chiếm 60 đồng. Đồng NDT giảm giá 4,6% trong ba ngày liên tiếp, theo đó tính toán ra, tiền nguyên phụ liệu sẽ giảm chỉ còn hơn 50 đồng, tức doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được gần 10 đồng.
Không những vậy, động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước giúp doanh nghiệp tăng giá trị trên mỗi đơn hàng khi xuất khẩu. Cái lợi là có thể nhìn thấy được, thế nhưng về lâu dài, vẫn cần sự chuẩn bị cho những kịch bản tiền tệ luôn biến động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc công ty May 10 cho biết: "Cái lợi là có, nhưng nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ bị thua trên sân nhà vì hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn về. Ở đây cũng nên nhấn mạnh vai trò của người tiêu dùng, hãy lựa chọn hàng Việt Nam để bảo vệ doanh nghiệp nội".
Đó là với doanh nghiệp xuất khẩu , còn các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn nhất với trị giá trên 3,7 tỷ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015.
Việc đồng NDT liên tiếp hạ giá được doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, linh kiện trong lĩnh vực nông nghiệp này nhìn nhận tích cực, nhưng vẫn rất thận trọng.
Rõ ràng, khi đồng NDT giảm giá thì hàng nguyên phụ liệu, linh phụ kiện máy móc thuận lợi hơn khi vào thị trường Việt Nam, doanh nghiệp một số ngành sẽ có thể được lợi trước mắt, nhưng về lâu dài thì đây sẽ là rào cản khiến cho ngành khó tăng tỷ lệ nội địa hóa khi doanh nghiệp không mặn mà đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngay trong nước.