Dự án cầu vỏ sò Đà Nẵng: Đơn giản là chưa cần thiết !
Dư luận tại Đà Nẵng gần đây tỏ ra quan tâm đến dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn với mô hình thiết kế hình vỏ sò,do tập đoàn Mặt trời dự tính đầu tư với kinh phí hơn 30 triệu USD.
Hầu hết ý kiến đánh giá về dự án này đều cho rằng, chưa đến lúc cần thiết Đà Nẵng phải có chiếc cầu này.
Một thành viên trong hội đồng Tư vấn Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng nhìn nhận, những phản bác của cộng đồng thật ra… trực tiếp ủng hộ nhà đầu tư giãn tiến độ thi công chiếc cầu này qua 1 thời điểm thích hợp hơn. Điều này hóa ra “đúng ý” nhà đầu tư hơn cả !
Chưa đủ cơ hội tài chính
Thực tế phải nhìn nhận, là bối cảnh kinh tế hiện nay đang làm giãn các tiến độ đầu tư dự án mà Sun Group cũng như nhiều nhà đầu tư khác tham gia ở khu vực Đà Nẵng.
Dù muốn hay không, suốt những tháng qua, người ta đều nhận ra, các dự án chủ lực mà tập đoàn này thực thi đã có phần “chậm lại”, như dự án 300 ngôi biệt thự Pháp ở Bà Nà Hills, dự án khu dân cư mới phía đông sông Hàn tên gọi The Sun City Riverside Đà Nẵng…
Tài chính được xem là nguyên nhân chính của tình trạng “hoãn bình” đó. Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận, cho dù được đánh giá là mạnh tiềm lực, song chắc chắn mọi dao động thị trường bất động sản thế giới và khu vực hiện nay đều có ảnh hưởng đến tập đoàn này.
Vì thế, dù Sun Group đã đăng ký với thành phố Đà Nẵng việc khởi công dự án cầu vỏ sò trên sông Hàn trong năm 2014 này, “nhưng chắc chắn việc ghi vốn cho dự án này vẫn chưa phải là toàn vẹn.
Dự án tiêu tốn quá nhiều tiền đầu tư, trong lúc dấu hiệu kinh tế chưa tốt hơn, sẽ buộc các cổ đông làm ăn có sự cân nhắc lại. Họ cần nghĩ đến những dự án cấp thiết hơn”, một thành viên lãnh đạo hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng nhận xét.
Người dân Đà Nẵng vẫn đang rất thoải mái lưu thông trên các chiếc cầu có sẵn.
Một số phân tích của các chuyên gia kinh tế còn chỉ ra, dự án cầu vỏ sò đã được Đà Nẵng định vị áp dụng phương thức BT (xây dựng – chuyển giao) trên cơ sở “đổi đất lấy hạ tầng”.
Bài toán này vốn được Đà Nẵng áp dụng từ lâu, cho phép nhà đầu tư được khai thác nhiều vị trí quỹ đất lợi thế trong trung tâm Đà Nẵng để bù lại tài chính cho dự án làm cầu đi bộ.
Nhưng do bất động sản hiện nay đang đóng băng, nhà đầu tư chắc chắn phải xem xét lại cơ hội của mình, chứ không chỉ đơn giản “nhận đất xây cầu”.
Chưa đủ điều kiện thực thi
Ở 1 khía cạnh khác, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dự án làm cầu vỏ sò là lãng phí, vì nhu cầu hoạt động kinh tế du lịch tại Đà Nẵng chưa đủ bức xúc để đòi hỏi có dự án hạ tầng này.
Ông Nguyễn Đình An, 1 nhà nghiên cứu văn hóa xã hội Đà Nẵng phát biểu, ai cũng thấy có cầu đi bộ thì du lịch sẽ tốt thêm. Nhưng thực chất ngành du lịch có hưởng lợi lớn hơn từ chiếc cầu này hay không, thì phải xem lại.
Chí ít trong vòng 5 – 7 năm tới, hoạt động du lịch, tour tuyến ở Đà Nẵng vẫn chưa đủ mạnh để thiết kế được những nguồn du khách “qua sông Hàn bằng cách đi bộ.
Trong khi người dân Đà Nẵng đang thoải mái lưu thông bằng phương tiện cá nhân qua các cầu đã có như cầu qua sông Hàn, cầu Rồng…, thì việc “mơ tưởng” du khách đi trên cầu đi bộ “thật quá xa vời”.
Cầu Rồng, 1 điểm nhấn du lịch mới của Đà Nẵng hiện vẫn chưa được khai thác tốt.
Kiến trúc sư Phan Đức Hải, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Đà Nẵng nhấn mạnh, hình thức BT thực chất là vay vốn làm dự án trước để trả lại sau. Như thế, dự án phải có tính khả thi hoàn vốn nhanh thì mới nên làm.
Với 1 chiếc cầu đi bộ giá triệu đô, rõ ràng hiệu quả kinh tế không thể cao để hy vọng có nguồn thu lớn. Ngân sách địa phương sẽ tăng thêm gánh nặng nếu làm dự án này !
“Phải chăng nên chờ đến lúc Đà Nẵng quy hoạch tốt được các dự án phố đi bộ, các khu vực tuyến đường ưu tiên phương tiện công cộng, và nhất là nền tảng tài chính cho các dự án đầu tư mạnh hơn, thì mới nên nghĩ đến những dự án cầu đi bộ qua sông Hàn.
Thậm chí nếu đã có những yếu tố đó, địa phương cũng vẫn nên xem xét dự án cải tạo cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện có thành cầu đi bộ, hơn là thiết lập chiếc cầu mới nữa”. Lãnh đạo sở GT&VT nhìn nhận như vậy.
Theo Nguyên Đức