MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án gần 1 tỷ USD tạo đà tăng trưởng Tây Nam Bộ

Hai cây cầu và tuyến đường kết nối có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long Xuyên từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ.

Tuyến đường cao tốc huyết mạch thứ hai nối Thành phố Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biến phía Nam có tổng trị giá hơn 860 triệu USD đã được 3 tổ chức quốc tế chính thức tài trợ để xây dựng.

Theo đó, ngày 5/8 tại Manila (Philippines), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã quyết định cho Việt Nam vay 410 triệu USD để xây dựng tuyến đường cao tốc huyết mạch thứ hai nối Thành phố Hồ Chí Minh với đồng bằng sông Cửu Long; Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (AusAID) viện trợ không hoàn lại 160 triệu đô la Australia (tương đương 142 triệu USD) để xây dựng cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) và các tuyến đường nối.

Song song với nguồn tài trợ nêu trên, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cung cấp 260 triệu USD để xây dựng cầu Vàm Cống (Đồng Tháp và An Giang) và các tuyến đường nối. Chính phủ Việt Nam sẽ đóng góp 56 triệu USD vào chi phí dự án.

Được biết, dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long sẽ xây dựng một đoạn trên tuyến cao tốc phía Nam thứ hai, bao gồm 2 cây cầu dây văng với tổng chiều dài 5km và các tuyến đường kết nối và đường dẫn với tổng chiều dài 26km. Tuyến đường này sẽ chạy qua ranh giới các tỉnh An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp đến khu vực phía Tây của Đồng bằng sông Cửu Long.

Hai cây cầu và tuyến đường kết nối có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Long Xuyên từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ. Thời gian di chuyển từ bến phà Cao Lãnh đến bến phà Vàm Cống sẽ được rút ngắn từ 1,5 giờ xuống còn 30 phút đồng thời độ dài quãng đường giữa Cao Lãnh và Long Xuyên sẽ giảm từ 35,4 km xuống còn 29 km. Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017.

Ngoài những lợi ích về giao thông kể trên, dự kiến những cây cầu và đường cao tốc sẽ đem lại lợi ích cho khoảng 170.000 người tham gia giao thông mỗi ngày và sẽ giúp tạo ra 400.000 việc làm mới trong những ngành xây dựng và sản xuất chế biến.

Dự án cũng nhằm bảo vệ hạ tầng khu vực này trước những tác động của biến đổi khí hậu như hiện tượng thời tiết xấu, mưa lũ và nước biển dâng.

Ông Rustam Ishenaliev, chuyên gia về giao thông thuộc Tổng vụ Đông Nam Á của ADB nhận định: “Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh dựa trên xuất khẩu và Đồng bằng sông Cửu Long là động lực kinh tế chủ chốt, nơi sản xuất hơn 60% sản lượng nông nghiệp và nghề cá và là trung tâm công nghiệp lớn thứ ba của Việt Nam. Kết nối giao thông này sẽ giúp mở ra cánh cửa cho các tỉnh miền tây của Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long và hỗ trợ phát triển kinh tế và công nghiệp tại khu vực này.”

Theo Minh Thúy

thanhhuong

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên