MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án lọc dầu gặp khó cùng giá dầu

Sự lưỡng lự trong quyết định có tiếp tục theo đuổi dự án lọc hóa dầu khổng lồ tại Bình Định của tập đoàn PTT (Thái Lan), do tác động của giá dầu giảm, có thể là tấm gương phản chiếu những khó khăn mà một loạt các dự án lọc hóa dầu trong nước đang gặp phải.

 

Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô, có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, được cấp phép từ năm 2008 và sau nhiều lần điều chỉnh cũng mới chỉ tiến hành khởi công xây dựng khu vực cảng Bãi Gốc nằm gần dự án.

Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định cho biết, tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT cùng với đối tác Saudi Aramco đến từ Ả rập Xê út đã thông báo có thể sẽ thay đổi quy mô dự án lọc dầu Victory và cả tiến độ đầu tư so với bản nghiên cứu tiền khả thi đã trình Chính phủ trước đó. Theo đó, vốn đầu tư của dự án sẽ không còn ở mức 22 tỷ USD và công suất chế biến cũng không còn ở mức 400.000 thùng dầu một ngày.

Điềm báo

Lý do được nhà đầu tư đưa ra là vì giá dầu thô trên thế giới đã giảm quá sâu trong nửa cuối năm 2014 và cả năm 2015. Cuối tháng 12 vừa qua, giá dầu thậm chí đã xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Nhiều chuyên gia trên thế giới dự báo giá dầu sẽ khó phục hồi lại mức cao như cách đây 2 năm trong một thời gian dài phía trước.

Như vậy, sau bao nhiêu nỗ lực của PTT nhằm thúc đẩy tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, thuyết phục các cơ quan quản lý địa phương và Trung ương để dự án được đưa bổ sung vào quy hoạch ngành công nghiệp dầu khí quốc gia, đến khi dự án đã được thông qua thì PTT lại đưa ra một tín hiệu rằng chưa biết tập đoàn này có đầu tư vào dự án hay không. Cũng khó có thể trách được PTT, bởi hơn 2 năm trước dường như cũng không có ai dự đoán được giá dầu lại giảm xuống mức thấp như hiện tại.

Tuy nhiên, sự lưỡng lự của PTT và đối tác là Saudi Aramco được coi là một điềm báo rằng một loạt các dự án đầu tư lọc hóa dầu khác có thể sẽ không được thực hiện trong bối cảnh hiện tại, và VN vẫn phải tiếp tục nhập phần lớn nhiên liệu từ bên ngoài về, dù là quốc gia xuất khẩu dầu thô.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 dự án lọc hóa dầu được cấp phép tại VN, trong đó chỉ có duy nhất nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động và dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đang trong quá trình xây dựng. Dự án lọc hóa dầu Vũng Rô, có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, được cấp phép từ năm 2008 và sau nhiều lần điều chỉnh cũng mới chỉ tiến hành khởi công xây dựng khu vực cảng Bãi Gốc nằm gần dự án. Còn dự án lọc dầu Cần Thơ sau gần 10 năm được cấp phép đầu tư hiện đang bị chính quyền địa phương đưa vào danh sách đen và có nguy cơ bị thu hồi giấy phép do chưa triển khai gì.

Nhưng ngoài 4 dự án đã được cấp phép ra, có ít nhất 4 dự án khác đã được đưa vào quy hoạch và 3 dự án trong số đó đã được đề xuất bởi các nhà đầu tư cụ thể: bao gồm dự án lọc hóa dầu Victory, dự án lọc hóa dầu Vân Phong và dự án lọc hóa dầu Vũng Áng. Trong khi PTT và Saudi Aramco thông báo đang gặp khó khăn về việc đưa ra quyết định có theo đuổi dự án nữa hay không, sự tĩnh lặng ở các dự án còn lại cũng có thể nói lên những điều tương tự.

Một nguồn tin từ tập đoàn Formosa – tập đoàn đề xuất đầu tư dự án lọc hóa dầu Vũng Áng nằm gần với tổ hợp cảng nước sâu Sơn Dương và nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh – tiết lộ rằng Formosa vẫn chưa chuẩn bị gì cho dự án lọc hóa dầu này. Và cũng cho biết thêm có khả năng dự án còn không được thực hiện.

Còn đối với dự án lọc hóa dầu Vân Phong mà tập đoàn Petrolimex đã theo đuổi trong nhiều năm qua, số phận của dự án này vẫn còn là dấu hỏi.

Hồi tháng 12/2014, Petrolimex tuyên bố đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược với tập đoàn năng lượng số một Nhật Bản, JX Nippon Oil and Energy. Theo đó, hai bên sẽ thành lập liên doanh và xúc tiến thủ tục đầu tư cho dự án lọc hóa dầu có công suất 10 triệu tấn mỗi năm này. Tuy vậy, cho đến nay dường như những gì hai bên đạt được cũng mới chỉ dừng ở biên bản ghi nhớ đó.

Nếu các nhà đầu tư không đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lọc hóa dầu, VN sẽ phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu nhiều hơn trong tương lai.

Tốt hay xấu?

Cách đây 2 năm, khi PTT đề xuất xây dựng dự án lọc hóa dầu tại Bình Định, mức đầu tư lúc đó được đề xuất là 28 tỷ USD và nhà máy có công suất 600.000 thùng dầu mỗi ngày, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã kịch liệt phản đối dự án này, với lý do nếu dự án được đầu tư sẽ gây ra tình trạng thừa cung nhiên liệu tại VN, dù hiện tại VN vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu từ nước ngoài.

Theo PVN, quy hoạch ngành dầu khi được lập ra lúc đó đã đủ để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của cả nước đến năm 2025 hay thậm chí các năm sau đó, mà không cần dự án của PTT. Nhưng cho đến nay, có lẽ mối lo đó cũng không còn nữa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Victorino của ngân hàng ANZ, điều này chưa hẳn đã tốt cho nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế đã từng viết một báo cáo về tác động cân bằng của giá dầu giảm tới nền kinh tế VN năm ngoái này cho rằng đây là thời điểm tốt để xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu ở VN.

Quan điểm này được lý giải dựa trên mức tiêu thụ nhiên liệu của VN đã tăng liên tục 7,5% trong vòng hơn 20 năm gần đây. Dù nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, nhưng công suất chế biến chỉ 100.000 thùng dầu mỗi ngày vẫn còn thua xa nhu cầu tiêu thụ thực tế là 378.000 thùng dầu mỗi ngày của cả nước – theo bà Victorino.

Bà Victorino nhấn mạnh rằng nếu các nhà đầu tư không đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án lọc hóa dầu, VN sẽ phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu nhiều hơn trong tương lai.

 

Theo Ngọc Linh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên