MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Du lịch Việt Nam: Câu chuyện không chỉ là visa

Không chỉ Thái Lan, Malayxia, Singapore mà ngay cả Campuchia, Lào, Myanma,… đều đã và đang làm nhiều việc thúc đẩy du lịch tốt hơn Việt Nam.

Sáng ngày 7/7/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và VCCI tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UN WTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), nếu Việt Nam tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực, (ví dụ như thị thực tại điểm đến, thị thực điện tử) thì số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có thể tăng từ 8 – 18%.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, năm 2014, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Nếu vậy thì du lịch chắc chắn sẽ là một trong lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, có lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng bậc nhất của Việt Nam trong tương quan so sánh toàn cầu.

"Với thứ hạng như vậy tại sao chúng ta không thể xây dựng Việt Nam thành một quốc gia du lịch?” – Ông Lộc trăn trở.

Theo ông Lộc, Việt Nam phải đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch trong tương quan so sánh với các nước ASEAN.

“Việt Nam có tiềm năng du lịch đứng thứ 16 trên thế giới thì tại sao chúng ta không thể là quốc gia du lịch hàng đầu của ASEAN? Chúng ta cần phải xác định rõ lộ trình để thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch với các nước ASEAN, trước hết là ở các yếu tố như môi trường, thủ tục hành chính cho phát triển du lịch”.

Trước mắt, phải hướng tới mục tiêu Việt Nam phải nằm trong nhóm 3, 4 nước có sức cạnh tranh du lịch hàng đầu ASEAN.

Ông Lộc lấy ví dụ trong lĩnh vực visa: Những con số sau đây là rất đáng suy ngẫm cho việc tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực này: Năm 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, Thái Lan đã miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia (trong đó 49 nước là đơn phương), Malayxia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia (trong đó 85 quốc gia là đơn phương).

Tương tự, Singapore đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 150 quốc gia (trong đó 82 quốc gia là đơn phương). Việt Nam đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và miễn visa cho 22 quốc gia.

“Quan sát cách làm du lịch của các nước xung quanh, chúng ta phải giật mình bởi không chỉ Thái Lan, Malayxia, Singapore mà ngay cả Campuchia, Lào, Myanma,… cũng đã và đang làm nhiều việc thúc đẩy du lịch tốt hơn Việt Nam” – Ông Lộc nói.

Ông cho rằng, hạn chế của du lịch Việt Nam không chỉ ở khâu visa, mà ở nhiều tua, tuyến, điểm du lịch, khách du lịch cũng đánh giá Việt Nam thua Campuchia ở tính chuyên nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề miễn visa, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, rào cản visa là quan trọng, nhưng không phải cơ bản.

“Từ kinh nghiệm giao tiếp nhiều với nước ngoài, tôi thấy rằng người ta không đến Việt Nam chỉ vì cái visa. Vấn đề thượng nguồn là Khuyến khích du khách muốn đi Việt Nam. Tất nhiên, visa khó khăn người ta có thể chần chừ, nhưng đầu tiên là người ta phải hướng tới Việt Nam cái đã”.

“Tôi rất muốn nghe định vị Việt Nam trên bản đồ du lịch, không bằng con số mà bằng thế mạnh, sự khác biệt, bằng sức hút. Chúng ta phải xây dựng hình ảnh, định vị thật rõ ràng. Khi đọc những con số du lịch của Thái Lan và Malaysia, so sánh với những tiến bộ của Việt Nam, chúng ta phải thẳng thừng là cạnh tranh với những nước như thế ở khu vực có nên cạnh tranh về số lượng?

Tôi cho rằng không thể. Chúng ta đến sau, phấn đấu rất nhiều nhưng chỉ đến thế thôi. Phải chăng, chúng ta nên cạnh tranh bằng mức doanh thu trên đầu khách du lịch tới Việt Nam?” - Bà Ninh khuyến nghị.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên