Đụng vào nỗi đau, doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ có thức tỉnh vì câu nói của Bí thư Thăng?
Những cuộc đua nóng bỏng trên thị trường bán lẻ thời gian qua là tín hiệu tốt cho tiêu dùng. Nhưng đây có thể là tin xấu với doanh nghiệp trong nước nếu không nhanh chóng suy nghĩ lại câu nói của Tân Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
- 09-03-2016Doanh nghiệp bán lẻ ứng phó sao với bão đầu tư nước ngoài?
- 03-03-2016Không để thị trường bán lẻ rơi vào tay nước ngoài
- 29-02-2016Việt Nam chưa kịp tiếp thu công nghệ, Nhật Bản đã giảm đầu tư vào công nghiệp chế tạo, đổ tiền sang bán lẻ
- 29-02-2016Thị trường bán lẻ TPHCM sẽ tạo bước ngoặc lớn trong năm 2016
Cuối tuần trước, một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa gia dụng có chia sẻ về việc tự dưng bị cắt hợp đồng tại một hệ thống siêu thị lớn. Nhiều lần đề nghị gặp lãnh đạo nhà phân phối để nghe một lời giải thích chính đáng hơn, nhưng đều bị từ chối khéo, cho dù đã có quan hệ làm ăn đến cả chục năm.
Đơn hàng không quá lớn, nhưng không dưng mỗi tháng bị mất đi cả vài trăm triệu đồng trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng không khỏi sốt ruột. Nói là gặp để cho có cớ, nhưng doanh nghiệp sản xuất này hiểu rằng việc bị cắt hợp đồng là do sau khi liên doanh với đối tác nước ngoài, một lượng lớn hàng ngoại được đưa vào siêu thị, nên buộc nhà bán lẻ phải giảm tỷ lệ hàng nội trên các kệ hàng.
Theo vị này tiết lộ, không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước có hàng phân phối tại hệ thống các siêu thị hiện nay cũng đang bị cắt giảm sản lượng đơn hàng, khi nhà bán lẻ lấy lý do là… khó tiêu thụ. Con đường vào quầy kệtrước đây vốn đã rất gian nan, khi doanh nghiệp phải chi nhiều khoản tiền hoa hồng để được có được vị trí, chỗ đứng đẹp trên các quầy kệ.
Sản xuất được xem là cái gốc, nhưng xem ra phân phối, bán lẻ mới đang là lĩnh vực thu lời nhiều nhất cho các nhà đầu tư. Bằng chứng là, giữa lúc các doanh nghiệp sản xuất đang than vãn về chuyện khó tìm lối ra cho sản phẩm, thì cuộc chiến giành quyền quản lý hãng bán lẻ có thị phần lớn nhất nhì tại Việt Nam BigC lại ngày càng nóng bỏng.
Đối tác thâu tóm BigC đang dần lộ diện, không ai khác chính là Tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Nhật Bản Aeon với cái giá khoảng 800 triệu USD. Cuộc chiến dù chưa ngã ngũ, nhưng cuộc chạy đua của hàng loạt các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài trong việc thâu tóm BigC, có thể cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam, quá hấp dẫn.
Trở lại cuộc gặp gỡ giữa Bí thư thành ủy TPHCM Đinh La Thăng và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), điều khiến cho lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất nhì thành phố này tâm đắc nhất, chính là lưu ý của ông Thăng: “Phải giữ được thị trường bán lẻ, đây là định hướng. Không thể để cho thị trường bán lẻ rơi vào tay người nước ngoài quản lý”.
Không phải là người đi lên từ ngành bán lẻ, nhưng với kinh nghiệm quản lý nhiều năm, những gì mà ông Thăng nói lại rất “trúng” với thực trạng của ngành này. Hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang bị nhăm nhe bởi các tập đoàn nước ngoài, và không ít hãng nội đã phải chọn hình thức liên doanh, liên kết thông qua bán cổ phần để tồn tại trên một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Thế nhưng, lo ngại được vị tân Bí thư Thành ủy TPHCM đặt ra cho doanh nghiệp, lại là điều mà bất cứ nhà bán lẻ hay sản xuất nào, cũng phải đều suy ngẫm: “Nếu thị trường bán lẻ rơi vào người nước ngoài thì liệu sản xuất trong nước có phát triển được không? Hay khi đó thị trường chuyển theo hướng khác, tiêu thụ sản phẩm nước ngoài?”.
Nhìn lại câu chuyện của doanh nghiệp sản xuất kể trên, những lo lắng của Bí thư Thăng không phải là không có cơ sở. Thực tế từ chính hệ thống các siêu thị hiện nay, đặc biệt với những doanh nghiệp liên doanh với nhà bán lẻ nước ngoài, thì tỷ lệ hàng ngoại đang ngày càng lớn và lấn át hàng Việt.
Với một thị trường có quy mô lên tới gần 110 tỷ USD, rõ ràng thị trường bán lẻ trong nước đang trở thành miếng bánh hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngoại. Sự phát triển sôi động của hệ thống các nhà bán lẻ trong cuộc chạy đua mở chuỗi đã cho thấy, tiềm năng thị trường đang rất mầu mỡ.
Thị phần bán lẻ hiện đại hiện đang chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, thì DN nước ngoài đã chiếm tới hơn 50%. Mục tiêu đến năm 2020 kênh bán lẻ hiện đại sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, với khoảng 1200 – 1300 siêu thị, và trung tâm thương mại tăng lên 300 điểm, thì đây sẽ là cửa mở cho các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với hàng loạt các vụ liên doanh, thâu tóm được đẩy mạnh thời gian qua.
Và khi đó, đúng như Bí thư Thăng đã cảnh báo: “Thị trường trong nước sẽ rất khó khăn, sản xuất khó khăn. Cho nên nếu chúng ta không chủ động thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”.
Liệu chính các nhà bán lẻ và sản xuất có thức tỉnh để suy ngẫm nhiều hơn về điều này?